Tái diễn đòi nợ ‘kiểu xã hội đen’: Chuyên gia nói gì?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/04/2020 08:06 GMT+7

Sau khi Thanh Niên đăng bài Tái diễn đòi nợ kiểu “xã hội đen” , rất nhiều bạn đọc phản hồi bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn này.

Trước tình trạng đòi nợ thuê nảy sinh nhiều biến tướng, như đe dọa, trấn áp các con nợ, thậm chí còn phạm tội, Chính phủ khi sửa luật Đầu tư đã đề nghị cấm kinh doanh loại dịch vụ này thay vì để trong danh mục loại hình kinh doanh có điều kiện như hiện nay. Tuy nhiên, tới nay, dù đã qua 1 kỳ thảo luận, các ý kiến về việc cấm hay không cấm dịch vụ kinh doanh vẫn chưa thống nhất.

Hầu hết công ty đòi nợ lợi dụng cho vay nặng lãi

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 43 (tháng 3 vừa qua), hầu hết các ý kiến của Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên cấm vì những hệ quả tiêu cực của loại hình kinh doanh này chủ yếu là do quản lý còn yếu kém nên không thể vì “quản không được mà lại cấm”.
Theo ông Lưu thì việc vay mượn, đòi nợ là các giao dịch dân sự, đã có thiết chế xử lý tranh chấp như hòa giải, tòa án… do đó nên dùng các thiết chế này thay vì sử dụng tổ chức trung gian là các công ty đòi nợ. “Thực tế triển khai luật Đầu tư thời gian qua cho thấy, cho phép kinh doanh đòi nợ thuê không mang lại hiệu quả tốt hơn so với việc cấm. Hiện nay, loại hình này còn bị biến tướng, lạm dụng, gây ra sự phức tạp về an ninh trật tự”, ông Lưu nói.
Đại diện cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin, qua rà soát hiện có 217 doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM nhưng trên thực tế không đơn vị nào sử dụng hình thức kinh doanh này một cách lành mạnh. “Chủ yếu là xã hội đen, lợi dụng cái này để cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao. Thực tế là tổ chức tín dụng đen, khiến tình hình an ninh trật tự rất phức tạp.
Trong khi đó, đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những gì phải bỏ ra khắc phục”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết, việc thiết kế thế nào để quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này, tránh các hệ quả tiêu cực cũng là “thách thức lớn cho cơ quan soạn thảo”.

“Lợi bất cập hại”

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, không nên cấm kinh doanh đòi nợ nếu cấm thì các giao dịch vay mượn dân sự không qua ngân hàng và dịch vụ đòi nợ vẫn tồn tại. Nghĩa là nhu cầu khách quan, vốn đã có. Do đó, thay vì cấm thì cần phải quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ để có căn cứ quản lý và có thể xử phạt những hành vi vi phạm. “Nếu quy định cụ thể, rõ ràng thì sẽ dễ dàng cho chúng ta quản lý, còn nếu như cấm thì vẫn hành vi đó mà chúng ta không quản lý được”, đại biểu Hòa phân tích.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) thì cho rằng, không nên cho mở dịch vụ kinh doanh đòi nợ vì một nguyên tắc cơ bản của việc làm luật là phải đặt lợi ích tối ưu của xã hội lên hàng đầu trong khi đó, kinh doanh đòi nợ đang là loại hình dịch vụ “lợi bất cập hại”.
Theo đại biểu Nghĩa, hệ thống pháp luật của VN hơn 20 năm qua đã có đầy đủ các công cụ pháp lý để thiết lập các giao dịch dân sự, thương mại một cách an toàn, lành mạnh, hạn chế nợ xấu.
Luật pháp cũng quy định đầy đủ các phương thức, công cụ để giải quyết tình trạng công nợ, kể cả nợ xấu, như tư vấn, hòa giải, tòa án… mà không cần các tổ chức trung gian đòi nợ theo kiểu các công ty đòi nợ thuê hiện nay.
Không ít trường hợp các nhóm đòi nợ thuê thường sử dụng các giấy tờ, bằng chứng chưa đủ tính pháp lý, thậm chí chỉ qua lời yêu cầu của người thuê họ, để đi đòi nợ. Không ít trường hợp, đòi nợ thuê trở thành tệ nạn, phát sinh vi phạm và tội phạm, nhất là khi có sự câu kết giữa các nhóm “tín dụng đen” và “xã hội đen”, chủ yếu tìm cách trấn áp, khủng bố, đe dọa, quấy nhiễu để đòi cho bằng được.
Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cho rằng, trong khi, các tranh chấp nợ trong quan hệ thương mại hay dân sự nhiều khi rất phức tạp, đòi hỏi phải được phân xử một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Ngay cả, những người không trả được nợ, luật pháp cũng xem xét tùy trường hợp mà quy định chế tài phù hợp, có khi miễn giảm. Những trường hợp giao dịch bị lừa đảo, bị cưỡng ép, bị nhầm lẫn có thể vô hiệu nếu như được xét xử bởi tòa án.
Đại biểu Nghĩa lưu ý, trong kinh tế thị trường, lợi ích rất đa dạng, do đó, nhu cầu cũng rất đa dạng. Khi hợp pháp hóa một nhu cầu, nhà nước phải đặt lợi ích tối ưu và hài hòa của xã hội lên trên hết. Chính vì vậy mà có những nhu cầu có thực, là hợp pháp ở các nước khác, nhưng đến nay vẫn chưa được hợp pháp ở VN, vì nó không đáp ứng lợi ích tối ưu, hài hòa của đa số công dân.
“Theo tôi, nhu cầu đòi nợ thuê cũng không đáp ứng được lợi ích tối ưu của xã hội. Tuy nhiên, dịch vụ mua bán nợ thì lại cần, nhưng đó không phải là kiểu đòi nợ thuê như hiện nay”, ông Nghĩa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.