KHỔ VÌ CÁN BỘ HƯỚNG DẪN "MẬP MỜ"
Hơn 7 năm nay, gia đình ông Lê Hữu Cường (52 tuổi, người dân khu tái định cư (TĐC) thuộc thôn Hưng An, xã Xuân Lộc, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã không biết bao nhiêu lần đến trung tâm huyện để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thửa đất ông đang ở. Năm 2015, gia đình ông Cường và gần 10 hộ dân khác thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc chấp nhận bàn giao đất cho dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, sau đó được cấp đổi đất về khu TĐC này. Những tưởng nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ, nhưng khi nhà xây dựng xong thì người dân phát hiện các điều kiện sinh hoạt không được như hứa hẹn trước đó. Họ sống trong cảnh không nước sạch, phải khoan giếng để sử dụng tạm; "mượn" điện từ xa rồi tự kéo về sử dụng.
Điều đáng nói, hơn 7 năm nay các hộ dân vẫn chưa có sổ đỏ. Trong đơn gửi đến Báo Thanh Niên, có nêu chi tiết: Trước khi cấp đổi đất để về nơi ở mới, họ được một cán bộ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất H.Phú Lộc hướng dẫn làm thủ tục giao nhận đất. Người này "thỏa thuận": Ngoài số tiền đền bù tài sản trên đất, nếu ai không nhận đất TĐC sẽ được nhận tiền mặt 45 triệu đồng. Với những hộ nhận đất thì số tiền ấy sẽ được dùng làm thủ tục cấp sổ đỏ, điện, nước…
Thời điểm đó, có 8 hộ dân đã nhận đất và không nhận tiền. "Lúc đó, khi gặp chúng tôi, họ chỉ thỏa thuận bằng miệng, cũng chẳng biết gì nên trông chờ hết vào cán bộ. Sau này, vị cán bộ trên bị bắt về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi nhà nước thu hồi đất ở một vụ án khác. Cho nên tôi đã tự về huyện để làm sổ đỏ, lúc này họ hướng dẫn chúng tôi được nợ tiền mua đất TĐC trong 5 năm. Nhưng sau 5 năm, chúng tôi bất ngờ được thông báo phải đóng một số tiền lớn do trễ hạn đóng tiền mua đất", ông Phạm Tấn Quang (49 tuổi, người dân trong diện TĐC) bức xúc cho hay. Chung hoàn cảnh với ông Quang, nhiều hộ dân được cấp đất trong khu vực TĐC này đều bất ngờ vì nhận thông báo phải đóng số tiền phạt quá lớn do trễ hạn đóng tiền mua đất. Đến nay, có người bị phạt lên đến hơn 70 triệu đồng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất H.Phú Lộc, xác nhận hiện vẫn còn một số hộ dân trong khu TĐC thôn Hưng An, xã Xuân Lộc vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Riêng việc có cán bộ thỏa thuận bằng miệng (chuyện 45 triệu đồng), vì các bên không có biên bản hay chứng từ nào hợp pháp nên đơn vị không thể xử lý.
Với những hộ dân bị phạt do chậm đóng tiền mua đất, ông Tú giải thích có thể do tại thời điểm đó, việc TĐC ở các vùng đặc biệt khó khăn như xã Xuân Lộc được cho phép nợ tiền sử dụng đất 5 năm; nhưng để được nợ, các hộ dân phải có đơn đề nghị và được UBND H.Phú Lộc chấp thuận. Có thể do quá trình thực hiện, khi đọc văn bản cho người dân, cán bộ phụ trách hướng dẫn không đọc rõ khiến họ nhầm lẫn… "Chúng tôi đã làm việc với ngành thuế để tìm cách tháo gỡ cho người dân, tuy nhiên cơ quan thuế trả lời không có cơ sở để miễn tiền phạt. Trước mắt, người dân cần nhanh chóng đóng tiền gốc để đảm bảo quyền lợi. Các vấn đề hỗ trợ về việc cấp sổ đỏ, bà con cứ đến trung tâm sẽ được hướng dẫn cụ thể", ông Tú nói.
PHẢI THÁO GỠ CHO DÂN
Về việc thiếu điện cho người dân TĐC, ông Tú cho rằng theo kế hoạch, dự án này do Ban Quản lý dự án công trình H.Phú Lộc làm chủ đầu tư, với tổng thể ban đầu là 5 ha, đầu tư 1 trạm điện biến áp 110 KV. Tuy nhiên, khi các hộ dân chuyển về, thực tế ở chỉ được 1 ha, số lượng quá ít nên vận hành trạm biến áp này là không phù hợp, rất hao phí điện năng.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Đề, Phó chủ tịch UBND H.Phú Lộc, cho biết trước đó huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, tuy nhiên vì dự án TĐC ở khu vực này nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư hạ tầng còn nhiều hạn chế. "Trách nhiệm của chính quyền địa phương là từng bước phải đầu tư cho dân, ổn định cuộc sống nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Về nguyên tắc giải phóng mặt bằng là vậy", ông Đề nói.
Ông Đề cũng khẳng định những hộ dân đã được cấp đất trên khu TĐC thì phải làm sổ đỏ cho họ là điều tất nhiên. Ông Đề yêu cầu các đơn vị cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giải quyết để người dân không mất thời gian đi lại, tránh để việc giải phóng mặt bằng rồi mà chỗ ở mới của người dân chật vật, khó khăn. Ngoài ra, khi về nơi ở mới, các hộ dân cũng phải chấp hành đóng tiền mua đất theo quy định của nhà nước.
Người dân thất nghiệp, sống khổ vì nhường đất cho thuỷ điện A Lưới
Bình luận (0)