Tai họa do côn trùng

17/11/2014 09:00 GMT+7

Viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt thường gia tăng vào thời điểm cuối năm khi thời tiết giao mùa. Nếu không xử trí đúng, nó có thể gây bội nhiễm.

 Tai họa do côn trùng
Vết phồng do côn trùng đốt cần phải xử trí đúng để tránh biến chứng - Ảnh: Shutterstock

Phản ứng cấp tính

Mới đây, Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ (ở Q.Hai Bà Trưng) vào viện trong tình trạng ban đỏ, ngứa toàn thân kèm theo tăng nhịp tim. Hiện tượng xảy ra chỉ trong vòng 30 - 40 phút sau khi bệnh nhân bị một con côn trùng lạ đốt. Bệnh nhân lập tức đến khám tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng và mang theo con côn trùng lạ. Sau khi trực tiếp khám bệnh, bác sĩ Bùi Văn Khánh xác định bệnh nhân bị mày đay cấp do bọ xít hút máu người đốt.

Theo bác sĩ Khánh, các tuần qua đã tiếp nhận bệnh nhân đến khám trong tình trạng toàn bộ vùng mặt, cổ bị ngứa đỏ, có những vùng phỏng rộng, lan tỏa nổi cộm, thậm chí một số trường hợp trên da có vệt “cày sâu” tạo mủ như “giời leo”, gây bỏng rát. Hoặc có trường hợp bị những vệt đỏ dài trên da kèm mụn nước đến khám khi đã bị mưng mủ do nhiễm khuẩn. “Phần lớn trường hợp bị bội nhiễm là do tự đến hiệu thuốc “khám bệnh” và dùng thuốc kháng vi rút do người bán hàng đoán nhầm là Zona thần kinh. Sau 2 - 3 ngày bệnh không đỡ thậm chí bội nhiễm, tạo mủ thì mới đi khám.

Bác sĩ Khánh nhận định, gần đây các tác nhân gây viêm da được phát hiện là bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, bọ xít hút máu có xu hướng tăng so với 3 - 4 tháng trước. Hầu hết những vết phỏng, ngứa do côn trùng đốt sẽ mất đi sau 3 - 5 ngày nhưng cũng có người bị tổn thương sâu, rộng, sưng đau, mưng mủ, bội nhiễm khiến điều trị dài ngày hơn. 

Tấn công trẻ em

Thông tin từ Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết trong các tuần qua, mỗi ngày phòng khám da liễu tiếp nhận khoảng 10 - 15 bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Theo các bác sĩ, trẻ bị viêm da do kiến ba khoang đốt thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay, với biểu hiện đỏ thành vệt dài theo chiều tay gãi, quệt; bề mặt da vùng tổn thương có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa.

Các bác sĩ đặc biệt lưu ý: với trẻ nhỏ, cha mẹ cần quan tâm giữ vệ sinh, bởi vì những vết gãi, ngứa, trầy xước rất có thể là cửa ngõ cho mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập.

TS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, lưu ý số bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt thường tăng vào các tháng cuối năm, cả người lớn và trẻ em. Thông thường bệnh không nguy hiểm nhưng nếu các vết gãi ngứa không giữ vệ sinh có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Trong các trường hợp, khi bị kiến ba khoang hoặc các côn trùng đốt thì không nên đập, miết vào vết đốt. Thói quen này khiến da tiếp xúc trực tiếp với độc tố, các dịch tiết từ côn trùng gây bỏng rát, nổi mụn nước. Nên rửa ngay vùng da bị côn trùng đốt với nước sạch để làm giảm, loại bỏ bớt các độc tố bám dính. Trong trường hợp ngứa nhiều, nên khám chuyên khoa để được chẩn đoán, dùng thuốc đúng, tránh biến chứng.

Liên Châu 

>> Sơ cứu cho bé khi bị côn trùng đốt
>> Bảo vệ sức khỏe gia đình khỏi côn trùng đốt   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.