Giữa lúc cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ đang nóng lên từng ngày, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy những dự án chung với các nước khác, về cả kinh tế lẫn an ninh.
Trật tự an ninh mới
Trong phát biểu tối 23.6 tại hội nghị thượng đỉnh BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến "một số quốc gia" đang theo đuổi những "xu hướng nguy hiểm", ngôn từ dường như ám chỉ Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị BRICS tối 23.6 |
Tân hoa xã |
"Một số quốc gia cố gắng mở rộng các liên minh quân sự để tìm kiếm an ninh tuyệt đối, kích động sự đối đầu theo khối bằng cách ép buộc các quốc gia khác chọn phe và theo đuổi sự thống trị đơn cực gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của các quốc gia khác", ông Tập phát biểu qua video, theo Tân Hoa Xã.
Từ đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn thúc đẩy hợp tác trong BRICS để vận hành Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), "tạo ra con đường mới" dẫn đến trật tự an ninh trong đó "đối thoại thay vì đối đầu, quan hệ đối tác thay vì quan hệ đồng minh và cùng thắng thay vì tổng bằng không".
Được khởi xướng bởi Chủ tịch Tập hồi tháng 4, GSI là tập hợp các nguyên tắc chính sách như không can thiệp, thách thức "chủ nghĩa bá quyền" của Mỹ, theo Financial Times (FT). Bắc Kinh đã nỗ lực thuyết phục các nước khác tham gia kế hoạch này. Trong một cuộc họp của ngoại trưởng các nước BRICS hôm 19.5, ông Tập đã nói về những mục tiêu của GSI.
Nhà lãnh đạo kêu gọi các nước trong nhóm "củng cố tin cậy chính trị và hợp tác an ninh,... thúc đẩy các lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nhau, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối tư duy chiến tranh lạnh và đối đầu theo khối và cùng nhau xây dựng một cộng đồng toàn cầu vì an ninh cho tất cả mọi người".
Chủ tịch Trung Quốc lên án cấm vận Nga là 'con dao hai lưỡi' |
Trong những ngày sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dẫn lại những tuyên bố ủng hộ GSI từ Uruguay, Nicaragua, Cuba và Pakistan. Indonesia và Syria cũng đã ủng hộ sáng kiến này.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã quảng bá GSI ở các nước khác bao gồm Ấn Độ, Philippines, Uganda, Somalia và Kenya thông qua các bài viết trên truyền thông địa phương và trên website của đại sứ quán Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, GSI là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạ bệ vai trò toàn cầu của Mỹ, với trọng tâm chủ yếu là ở các nước đang phát triển. Và việc Bắc Kinh tập trung vào an ninh đánh dấu sự rời bỏ cách tiếp cận truyền thống của họ về quan hệ quốc tế.
"Trước đây, khi các quan chức Trung Quốc nói về cách giải quyết xung đột và các vấn đề an ninh trên thế giới, trước tiên họ sẽ nhấn mạnh sự phát triển kinh tế. Câu trả lời của họ là mang lại thịnh vượng cho những vùng khó khăn đó. Nhưng giờ đây họ đã thay đổi câu trả lời", Bates Gill, giáo sư về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie (Úc), nói với FT.
Lãnh đạo các nước BRICS tham dự hội nghị trực tuyến tối 23.6 |
tân hoa xã |
"Xương sống" thương mại toàn cầu
Cùng lúc, Trung Quốc cũng thúc đẩy đề xuất về việc thành lập khối tự do thương mại trong các nước BRICS. Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, thương mại giữa Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi có tiềm năng mở rộng rất lớn, vì mới chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch thương mại của các nước này hiện nay.
"Xây dựng một hiệp định thương mại tự do là biện pháp rất quan trọng để khai thác tiềm năng thương mại này và Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước BRICS khác", ông Vương phát biểu Diễn đàn Kinh doanh BRICS hôm 22.6, theo South China Morning Post.
Tố Mỹ ép "vỡ nợ giả tảo", Nga sẽ thanh toán lãi suất trái phiếu chính phủ bằng đồng rúp |
Theo vị quan chức, 5 quốc gia BRICS là "xương sống" của hệ thống thương mại đa phương, và ông chỉ trích các nỗ lực "tách rời" về kinh tế mà Mỹ đã theo đuổi từ thời Tổng thống Donald Trump.
Bắc Kinh đang cố gắng củng cố các lợi ích thương mại giữa lúc Washington nỗ lực thu hẹp ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Hiện tại, Trung Quốc không có thỏa thuận thương mại tự do với bất cứ nước nào trong nhóm BRICS.
Ấn Độ, dù là một thành viên của BRICS, đã tham gia IPEF và nhóm Bộ Tứ do Mỹ dẫn dắt. Quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn đang căng thẳng vì tranh chấp ở biên giới. Trong khi đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow đang chịu nhiều áp lực do xung đột Nga - Ukraine.
Trước đó tại diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các nước BRICS đang nghiên cứu một loại tiền dự trữ quốc tế mới dựa trên một giỏ bao gồm đồng real của Brazil, đồng rúp của Nga, đồng rupee của Ấn Độ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng rand của Nam Phi. Đây được xem là nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế cho các định chế quốc tế bị chi phối bởi đồng USD.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh BRICS hôm 22.6 |
tân hoa xã |
Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để tiến tới mở các chuỗi cửa hàng Ấn Độ tại Nga, cũng như tăng thị phần ô tô, thiết bị và phần cứng của Trung Quốc ở thị trường Nga. Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có sự gia tăng đáng kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ.
Song một tài liệu phác thảo các sáng kiến mới cho cộng đồng doanh nghiệp BRICS, được công bố hôm 22.6, đã không đề cập đến một thỏa thuận thương mại tự do hoặc một loại tiền dự trữ quốc tế thay thế. Văn kiện cho biết các nước BRICS sẽ hợp tác về kinh tế và thương mại, đồng thời đẩy mạnh phối hợp đầu tư nhằm tăng cường sự ổn định, đa dạng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Trong bài phát biểu tối 23.6, ông Tập không đề cập đến kế hoạch xây dựng khối thương mại tự do trong BRICS, song nhấn mạnh sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
"Trong hoàn cảnh mới, việc các nước BRICS theo đuổi sự phát triển với cánh cửa rộng mở và thúc đẩy hợp tác với vòng tay dang rộng càng trở nên quan trọng hơn", Tân Hoa Xã trích lời chủ tịch Trung Quốc.
Bình luận (0)