Tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’: Học sao mới tốt?

Tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’: Học sao mới tốt?

12/12/2022 09:17 GMT+7

Trước nhận định của chuyên gia quốc tế rằng tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’, các giáo viên Việt Nam và sinh viên có thành tích cao bộ môn này đã hiến kế học tiếng Anh hiệu quả.

Dùng tiếng Anh nhiều như tiếng Việt

Từng đạt giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố, Nguyễn Quang Lâm, sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) cho rằng việc tạo môi trường tiếng Anh từ khi mới bắt đầu học là “chìa khóa” để nâng cao năng lực ngoại ngữ. “Nếu muốn giỏi tiếng Anh như tiếng Việt, hãy dùng tiếng Anh ở nhiều mặt như cách ta đang dùng tiếng Việt”, nam sinh viên khẳng định.

Lâm chia sẻ: “Tôi luôn tìm cách ứng dụng tiếng Anh trong các hoạt động nghe, nói, đọc, viết hằng ngày để không ngừng luyện tập, sử dụng ngôn ngữ này. Có thể tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, sự kiện bằng tiếng Anh hoặc trò chuyện cùng người bản xứ để mở rộng hiểu biết tiếng Anh ở đa lĩnh vực. Ngoài ra, hãy tìm một người hướng dẫn (mentor) như thầy cô hoặc anh chị lớn có thành tích để nhờ họ góp ý, định hình lộ trình học phù hợp với bản thân”.

Giao tiếp cùng người bản xứ là một trong những cách trau dồi tiếng Anh

H.N

Đồng tình với quan điểm trên, Trần Thanh Hiền, thủ khoa D1 tỉnh Phú Thọ năm 2022 và hiện là sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho rằng cách học tiếng Anh tốt nhất là “luyện tập thật nhiều”. Theo Hiền, ngôn ngữ là sự trải nghiệm, gắn bó nên cô luôn tiếp cận theo nhiều cách học khác nhau, trong những hoạt động thân thuộc với bản thân như nghe nhạc, xem phim.

“Khi đó, tôi không giải trí thông thường mà chép lại những từ mới, từ kết hợp và thành ngữ để tra cứu và ghi nhớ. Ngoài ra, hãy luyện bài tập qua cách ‘học theo ví dụ’ để không phải nhồi nhét lý thuyết khô khan, cũng như tự tin và không ngại sai, ngại sửa khi nói tiếng Anh để cải thiện trình độ giao tiếp”, nữ sinh đạt điểm 10 tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT đúc kết.

Tránh cách học lạc hậu

Theo thạc sĩ Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật mảng IELTS tại hệ thống Anh ngữ DOL IELTS Đình Lực, thế hệ gen Z quen với việc xử lý thông tin ở tốc độ cao, khả năng tập trung bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội như TikTok nên có một số phương pháp học tiếng Anh trở nên “lạc hậu” và dễ khiến bạn trẻ bỏ cuộc như học theo kiểu tích lũy (học từ vựng bằng cách liệt kê thành danh sách dài rồi ngồi học, học ngữ pháp bằng cách học thuộc công thức cho tất cả điểm ngữ pháp).

Một số cách học tiếng Anh đã trở nên lỗi thời khi bạn trẻ phát triển trong môi trường công nghệ, mạng xã hội thịnh hành

M.N

“Thay vì tích lũy ngẫu nhiên, bạn trẻ nên học theo lối tư duy, có thể kể đến phương pháp Linearthinking. Chẳng hạn, thay vì học từ vựng liệt kê từ trên xuống, thì phân loại và xếp chúng vào các mô hình tư duy trong đầu. Có thể áp dụng kỹ thuật siêu trí nhớ, liên hệ từ vựng với hình ảnh liên quan để dễ thuộc. Ngoài ra, không bao giờ học từ đơn, mà học những cụm từ có liên quan và hay được sử dụng kèm với nhau để đảm bảo tính áp dụng cao”, thạc sĩ Quỳnh lưu ý.

Còn thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, Phó phòng đào tạo Trung tâm Anh ngữ Vietop, nhận định không thực sự có câu trả lời cho thắc mắc “phương pháp học tiếng Anh nào tốt nhất” vì đây vẫn còn là vấn đề tranh cãi của giới chuyên môn. Từ đó, thạc sĩ Khoa khuyên người học cần có sự chọn lọc phương pháp phù hợp vì những cách học được giới thiệu trên mạng thường theo chủ nghĩa kinh nghiệm, đôi khi không có hệ thống và không được kiểm chứng rõ mà chỉ hiệu quả với cá nhân đặc thù.

Theo chuyên gia, việc học tiếng Anh sẽ không quá phức tạp khi có lượng ngôn ngữ đầu vào dồi dào và vừa sức, cũng như có cơ hội sử dụng thường xuyên. “Một khó khăn cho người học tiếng Anh ở Việt Nam hiện tại có lẽ là đầu vào thì phong phú từ nhạc, phim, sách, báo nhưng cơ hội sử dụng lại hiếm. Ta tiêu thụ sản phẩm tiếng Anh nhưng không cần dùng nó trong đời sống hằng ngày”, thạc sĩ Khoa nhận định.

Sinh viên giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài trên phố đi bộ ở Hà Nội

ngọc thắng

Tuy nhiên, anh Khoa cũng lưu ý có nhiều yếu tố phức tạp hơn dẫn đến việc thành công trong việc lĩnh hội ngôn ngữ chứ không chỉ dừng ở ngôn ngữ đầu vào và cơ hội sử dụng, ví dụ như tuổi tác, việc tự học hay học có giáo viên...

Có nên bắt đầu học tiếng Anh bằng cách luyện đề?

Trong bối cảnh các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế “lên ngôi” như IELTS, TOEFL, một số cá nhân chọn luyện đề để thi ngay khi bắt đầu học tiếng Anh. Theo thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa giáo dục ĐH Durham (Anh), cách học này không tốt cũng không xấu, mà tùy vào mục đích và quan điểm mỗi người.

Thạc sĩ Vũ cho hay “luyện đề” là một lối nói khác của việc làm quen với cấu trúc, ngữ liệu phổ biến của đề thi và học những phương pháp (mẹo) để đạt điểm cao nhất có thể trong cấu trúc đề đó. Còn cách học tiếng Anh phổ thông sẽ phát triển từ căn bản thông qua nhiều thể loại hoạt động và bài tập.

“Nếu so sánh, hai cách học này không khác nhau mấy vì các giáo trình theo kiểu luyện đề vẫn phải dạy năng lực tiếng Anh căn bản cho người học. Điểm khác biệt duy nhất là họ sẽ dạy những năng lực đó thông qua một số loại bài tập, kỹ thuật nhất định. Nếu cần chứng chỉ tiếng Anh nhanh thì chọn luyện đề, còn muốn phát triển tiếng Anh tự nhiên và đa dạng hơn thì chọn học kiểu phổ thông”, chuyên gia giáo dục kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.