Học ngoại ngữ chỉ để thi?
Chia sẻ về thực trạng dạy và học tiếng Anh, bạn đọc Ton Vo cho hay: “Ngôn ngữ quan trọng nhất là giao tiếp ở nghe và nói, Việt Nam thì ngược lại, quá nặng nề về ngữ pháp, mà không nghe, nói được thì học từ vựng rất khó và không thể áp dụng vào ngữ pháp, cứ học sau quên trước. Học sinh chạy theo ngữ pháp cứ như học công thức toán, học xong cũng quên sạch và không biết gì”.
Độc giả Huy đồng tình: “Hầu như trường nào cũng vậy thôi, quá chú trọng ngữ pháp, học xong ra trường không đọng lại chút gì. Sao không dạy kỹ năng nghe và nói, đó mới là điều quan trọng nhất để giao tiếp”. Còn bạn đọc 93708 nhận định: “Hầu hết học sinh giỏi tiếng Anh là kết quả của sự đầu tư từ gia đình vào các trung tâm ngoại ngữ chứ không phải là hiệu quả của giáo dục ở nhà trường”.
Nhiều bạn đọc nhìn nhận việc học ở trường phổ thông đề cao năng lực đọc, viết, đặc biệt là yếu tố ngữ pháp |
Đ.N.T |
Chia sẻ thực tế, học sinh nguyenbuingocphat29112007 cho biết ở trường, "ôn từ vựng không bao nhiêu nhưng ngữ pháp thì nhiều".
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc học đề cao đọc, viết đặc biệt là ngữ pháp, bạn đọc Bảo nêu góc nhìn: “Ở Việt Nam, học là để thi và dạy là cũng để thi. Cho nên, thi tuyển 10 chỉ yêu cầu nghe, nói thì sẽ giỏi nghe, nói; thi tốt nghiệp yêu cầu đọc, viết thì sẽ giỏi đọc, viết. Chuyện sách giáo khoa ‘ôm đồm’ lâu nay nhiều giáo viên đã thấy và phản ánh. Thiết nghĩ, môn học có tính toàn cầu thì cứ để giáo viên và học sinh chọn và dùng những giáo trình nào họ thấy ‘ưng ý’ nhất. Miễn sao, thi đạt yêu cầu là được”.
Tương tự, độc giả Zoromask khẳng định: “Chúng ta coi trọng ngữ pháp để thi quá nhiều trong khi đó để nói và nghe cho người ta hiểu thì lại quá ít đất diễn”. Tài khoản nguyenhao001arsq@gmail.com thì bình luận: “Ngôn ngữ là để dùng, học ngôn ngữ đúng ra là để phục vụ cho cuộc sống chứ không phải để đi thi. Nhưng từ lúc nào, việc học ngôn ngữ chỉ còn mang bản chất đối phó, thi cử”.
Sinh viên giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài trên phố đi bộ ở Hà Nội |
ngọc thắng |
Mặt khác, bạn đọc Nguyen Loi cho hay: “Các đề thi quốc tế đều phải nắm rõ ngữ pháp mới chọn được từ đúng. Khi nào các đề thi quốc tế bỏ ngữ pháp đi lúc đó hãy nói chuyện”. “Cần thay đổi phương thức thi và kiểm tra đánh giá thì mới thay đổi cách dạy và cách học”, độc giả Thanh Nguyen chia sẻ.
Có phải lỗi của chỉ giáo viên?
Là giáo viên tiếng Anh, đã từng dạy qua phổ thông, trung tâm và thỉnh giảng vài trường ĐH, CĐ, bạn đọc Hà cho biết tiêu chuẩn đầu tiên để dạy cho học sinh nắm vững 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của môn tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào là sĩ số học viên chỉ từ 10 đến 15, sau đó mới nói đến các điều kiện dạy và học khác như giáo trình, thiết bị nghe nhìn và âm thanh, bàn ghế...
“ Với sĩ số khoảng 50 học sinh 1 lớp của Việt Nam từ trước đến nay, học sinh không bao giờ có thể nắm vững 4 kỹ năng của tiếng Anh và hoàn toàn không phải lỗi của chỉ giáo viên”, vị này bình luận.
Bạn đọc bsdaovantinh cũng khẳng định: “Thời đại này, mỗi người đều có thể chủ động học tốt bất cứ môn gì mình muốn học. Không nên đổ lỗi cho ai”.
Một số bạn đọc đề xuất việc dạy tiếng Anh nên song hành cùng giáo viên bản xứ |
H.N |
Mặt khác, độc giả Phong Vu cho rằng: “Điểm yếu số 1 khiến dạy tiếng Anh trong trường không hiệu quả là do độ kém chính xác của phần dạy nói. Khi giáo viên phát âm chưa chính xác, học sinh không chỉ phát âm không chuẩn mà khả năng nghe cũng mù mờ vì không chắc chắn âm đó là chữ gì, và điều tai hại nhất là học sinh mất niềm tin vào giáo viên và mất động lực học”.
Bạn đọc Minh Luong thì đề xuất: “Muốn người học giao tiếp tốt và có động cơ giao tiếp thì trường học phải có giáo viên nước ngoài. Dùng giáo trình, sách tiếng Anh nước ngoài. Đảm bảo học sinh Việt Nam sẽ nghe, nói tốt”. “Cần giảm bớt chương trình, thầy cô có thể sử dụng video trên mạng của người bản xứ nói về nội dung liên quan đến bài học để học sinh có thể được nghe và quen dần với ngữ điệu người bản xứ”, độc giả Quangthoa nêu quan điểm.
Bình luận (0)