Nếu có sự “hả dạ” nào đó từ những người đã trực tiếp tố cáo sự gian dối trong quá trình thi công dự án thì cũng là điều dễ hiểu. Vì họ đã mất quá nhiều công sức, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng để nói lên sự thật nhưng công lý thì vẫn cứ quay lưng với họ một thời gian lâu.
Bây giờ thì mọi chuyện khuất tất ấy đã được bóc tách, những “mảng tối” của tuyến đường này đang được soi tỏ từng phần. Dĩ nhiên là, 4 người bị bắt hôm 14.11 gồm lãnh đạo ban quản lý dự án và một số nhà thầu, chưa phải là con số cuối cùng. Dư luận đang rất mong các cơ quan thực thi pháp luật sẽ “gọi tên, điểm mặt” những kẻ đứng sau.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư lên đến 34.500 tỉ đồng cho 140 km. Vừa mới thông tuyến hôm 2.9.2018, chủ đầu tư đã cho thu phí ngay. Một tháng sau, nhiều đoạn đường trên tuyến cao tốc đã xuất hiện những ổ gà, ổ voi.
Giải thích vụ việc này, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án lúc ấy, cho rằng do trời mưa, đường phải “gánh” xe trọng tải nặng nên gây sụt lún. Tiền thì vẫn thu theo chuẩn “cao tốc”, còn chất lượng đường thì đổ lỗi cho trời.
Báo chí đã vào cuộc. Người dân đã đồng hành với các nhà báo để tìm ra những khuất tất trong quá trình thi công của nhà thầu. Các chuyên gia cầu đường đã chỉ ra những lỗi cơ bản của tuyến đường, đồng thời phủ nhận những lý do mà lãnh đạo ban quản lý dự án đã thanh minh trước công luận.
Trước sức ép từ nhiều phía, kể cả trên diễn đàn Quốc hội, Bộ GTVT buộc phải ra quyết định “thanh tra đột xuất” toàn bộ tuyến đường. Những ung nhọt bưng bít lâu nay đã chính thức vỡ ra. Không chỉ ổ gà, ổ voi trên đường mà toàn tuyến có đến 26 cầu cống bị thấm dột!
Không phải đợi đến khi “thanh tra toàn diện” thì mới lộ sáng sự gian dối của dự án này, mà ngay từ đầu, người dân đã có đơn tố cáo. Có người như ông Phạm Tấn Lực ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chụp hàng ngàn bức ảnh làm bằng chứng để tố cáo sự gian dối.
Thay vì phải bóc lớp bùn lên rồi mới đổ đất làm nền thì nhà thầu cho bóc qua loa, cứ thế đổ đất lên. Thay vì đắp đất núi làm nền đường thì nhà thầu cho đổ đất ruộng, rồi dùng cả túi ni lông để “khắc phục” thấm dột ở các cầu cống… tất cả những trò gian dối ấy đều không qua mắt được người dân nhưng tất cả đều bị bỏ qua.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không chỉ có ý nghĩa như một khẩu hiệu dân vận mà nếu các cấp chính quyền biết vận dụng đầy đủ, nghiêm túc ở mọi dự án, công trình sẽ phát huy được tối đa hiệu quả giám sát thật sự của nó.
Nhưng thực tế để dân phải tố cáo năm lần bảy lượt khắp nơi thì cũng phải cần xem lại cả vai trò của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát, thẩm định chất lượng công trình lẫn ai đã ký nghiệm thu.
Bình luận (0)