Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi năm, thế giới có gần 3 triệu người mất vì tai nạn lao động (TNLĐ) hoặc do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, chưa kể có hàng trăm triệu người đổ bệnh vì làm việc hay do các chấn thương nghề nghiệp.
Tại VN, thống kê của Bộ LĐ-TB-XH trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy toàn quốc xảy ra 3.908 vụ TNLĐ làm 4.001 người bị nạn (gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), trong đó 380 người chết và 807 người bị thương nặng.
Đáng chú ý, các TNLĐ chết người chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp khu dân cư. Điều đó có nghĩa TNLĐ không chỉ là nguy cơ đối với người trực tiếp sản xuất mà còn là cư dân sinh sống gần đó. Bên cạnh đó, còn có nhiều tai nạn thương tâm của trẻ em tại các công trình, như vụ 2 em bé tử vong, 1 em bị thương do bị điện giật tại công trình xây dựng đường Vành Đai 2 ở Q.Thủ Đức cũ (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) năm 2019...
Thiệt hại vật chất, những mất mát về người luôn gây ra nỗi buồn đau dai dẳng cho người thân. TNLĐ là không ai mong muốn, song một lần nữa đặt ra câu hỏi lớn về an toàn thi công và trách nhiệm quản lý công trình của cả ba bên: chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.
Siết chặt, chấn chỉnh hoạt động tại các công trình là điều cần làm ngay đối với cơ quan quản lý nhà nước. Việc xây dựng văn hóa an toàn và sức khỏe lao động hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua các hoạt động đối thoại. Khi người lao động đối thoại, chia sẻ những ý kiến của mình về an toàn lao động, tức đã tham gia thúc đẩy an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc thì rủi ro TNLĐ luôn giảm rõ rệt.
Nhưng điều quan trọng là các bên tham gia lao động cần ghi nhớ rằng TNLĐ là luôn luôn hiện hữu, có thể ảnh hưởng cư dân, trẻ nhỏ chứ không chỉ là nhân công.
Bình luận (0)