Cùng với TP.HCM và Bắc Ninh, mô hình thí điểm Ban Quản lý (BQL) an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP.Đà Nẵng bước đầu được địa phương này nhận định có hiệu quả, “đã chấm dứt tình trạng chồng chéo, bất cập, trước đây” (3 sở: Y tế, Công thương, NN-PTNT cùng quản lý ATTP nhưng không ngành nào chịu trách nhiệm chính).
Đơn cử như giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trước khi BQL ATTP ra đời, một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát từng than thở, ban đầu nộp hồ sơ xin cấp giấy này ở Sở Công thương, nhưng khi mở rộng dây chuyền sản xuất, thì phải xin Sở Y tế.
Tương tự, trước đây cơ sở ăn uống, thực phẩm chức năng, nước đóng chai thuộc ngành y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc công thương, nông sản thuộc ngành NN-PTNT, nên các cơ sở tổng hợp như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sản xuất thực phẩm bị thanh kiểm tra nhiều lần trong năm. Nhưng nếu phát hiện vi phạm, mà thực phẩm không thuộc phạm vi quản lý của ngành này, thì phải có văn bản trao đổi phối hợp với ngành khác, rất rườm rà.
“Đau đầu” nhất là điều tra ngộ độc, trước đây thuộc Sở Y tế, nhưng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chỉ quản lý cơ sở ăn uống, thức ăn đường phố, nếu nguyên nhân từ nhà hàng (chế biến, bảo quản) hay cơ sở sản xuất, kinh doanh (cung cấp nguyên liệu nhiễm độc) thì thuộc quyền quản lý của Sở Công thương, Sở NN-PTNT, nên cần phải có văn bản trao đổi phối hợp.
Mô hình BQL ATTP đã tinh gọn bộ máy từ việc sáp nhập 3 cơ quan, nhờ vậy việc thanh kiểm tra, cấp phép đồng bộ, gọn gàng hơn, giám sát thực phẩm bẩn, điều tra nguyên nhân, xử lý ngộ độc kịp thời hơn. Thế nhưng hiện nay BQL ATTP đang phải vận dụng để giải quyết, do thí điểm nên thiếu quy định pháp luật cũng như các hướng dẫn. Do vậy, rất cần “cởi trói” và tìm ra giải pháp cho vấn đề mang tính cấp thiết của xã hội này.
Bình luận (0)