Tài năng trẻ Việt ở Olympic: Hai nữ đô vật từ xới làng bay ra thế giới

17/08/2016 10:10 GMT+7

Nếu như Nguyễn Thị Lụa lần thứ 2 liên tiếp tranh tài tại Olympic thì với Vũ Thị Hằng là kỳ tích đầu tiên. Hai nữ đô vật này đã từ xới làng bay ra thế giới, với một điểm chung là tính vượt khó phi thường.

4 chiếc răng gãy và nỗi đau SEA Games
Đến từ đất vật và làng Olympic số 1 Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội), Nguyễn Thị Lụa là hiện thân cho tài năng, sức vươn đặc biệt trước nghịch cảnh đẫm nước mắt và máu của những cô gái trót mang cái nghiệp vào thân.
Đã 14 năm gắn bó trọn vẹn với thảm tập, song đôi khi chính Lụa cũng phải thảng thốt với đôi tai quăn tít vì va đập, với sự biến đổi trên khuôn mặt mà để nở một nụ cười tươi cũng khó. Đó là hậu quả từ tai nạn trong một buổi tập khiến Lụa không chỉ đau đớn khắp người, chảy máu miệng, mà còn bị gãy một lúc tới 4 chiếc răng.
Nguyễn Thị Lụa lần thứ hai liên tiếp tham dự Olympic Ảnh: Bạch Dương
Khi Lụa đang tập huấn tại Trung Quốc và để thực hiện được bài viết này, tôi và Lụa đã có cuộc hẹn rất “lạ”. Hàn huyên trên Facebook, Lụa bảo “Sáng mai em và Hằng được về nước nhưng chỉ quẩn quanh ở khu vực biên giới. Đúng 10 giờ chị gọi nhé vì bọn em chỉ có vài tiếng vui chơi thôi rồi phải quay về địa điểm tập huấn”.
Câu chuyện qua điện thoại không dài nhưng cũng đủ để vẽ được một chân dung về cô ấy. Lụa sớm đạt tới đẳng cấp vô đối ở Đông Nam Á nhưng lại luôn không có duyên với đấu trường nhỏ. Lụa đã bị mất trắng 4 tấm HCV ở 4 kỳ SEA Games vì đủ các lý do, ví như phải nhường vị trí oan ức cho người khác, đối thủ bỏ cuộc ngay trước giờ đấu, hay môn vật bị chủ nhà loại bỏ.
Nghịch cảnh SEA Games kéo dài theo cách rất khó tin đó có thể đánh gục bất cứ VĐV nào song lại trở thành một động lực mãnh liệt để Nguyễn Thị Lụa vượt lên. Cứ sau mỗi lần đau, Lụa lại mang về cho bản thân và thể thao Việt Nam một chiến tích ngoạn mục.
Đúng 10 tháng sau khi ngồi khóc trên đất Lào ở SEA Games 2009, Lụa đã đoạt tấm HCB lịch sử tại ASIAD 2010, thậm chí nếu có thêm may mắn, đó đã là một tấm HCV. Tương tự như thế, việc mất cơ hội lấy HCV SEA Games 2011 do nước chủ nhà không tổ chức đã được Lụa bù đắp bằng một suất Olympic 2012, cũng là lần đầu tiên một đô vật VN tới đấu trường đỉnh cao nhất nhờ vượt qua vòng loại.
Vũ Thị Hằng bay cao cùng “thần tượng”
Giống Lụa, cô gái sinh năm 1992 tại Bắc Giang này cũng khởi phát từ một “lò” vật tại làng của ông thầy già Dương Văn Sản. Khác ở chỗ, mãi đến năm lớp 10, khi đã 16 tuổi, luyện tập thử một vài môn khác, Hằng mới bén duyên thảm vật.
Ngã rẽ quyết định cho gương mặt đầy tố chất đã đến khi lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch của Hà Nội tại một hội làng. Hằng rời nhà lên đầu quân cho đội vật Thủ đô, rồi tập chuyên luôn hạng 48kg, mà Lụa đang là “độc cô”.
Vũ Thị Hằng giành tấm HCV tại SEA Games 27 Ảnh: Bạch Dương
Với những bước tiến vượt bậc, từ năm 2011, Hằng đã trở thành đối thủ xứng tầm của đàn chị hơn mình 2 tuổi. Dù liên tục thua trong các trận chung kết, song Hằng được đánh giá không chỉ là “truyền nhân” đích thực mà còn sớm lật đổ được Lụa.
Nhà vô địch tuyệt đối ở hạng cân 48kg Nguyễn Thị Lụa sẽ chuyển lên hạng cân trên để nhường lại cho đàn em. Lụa đã chấp nhận thay đổi hoàn toàn những thói quen sinh hoạt, tập luyện để đôn lên hạng 51 rồi 53kg, điều khó hơn nhiều lần so với việc giảm cân. Còn Hằng, hiểu rõ cơ hội và cả sự may mắn mình có được, đã lao vào rèn tập không ngừng nghỉ, với tư vấn, hỗ trợ đắc lực, trực tiếp từ chính chị Lụa.
Đến năm 2013, lúc Hằng đoạt HCV SEA Games, chị được đánh giá không hề thua kém đẳng cấp của Lụa khi đỉnh cao nhất, đặc biệt về sức mạnh, độ lì và miếng đòn. Thực tế, tại vòng loại Olympic, Hằng đã xuất sắc đánh bại chính So Sym Hyang (CHDCND Triều Tiên) người mà Lụa từng thua ở chung kết ASIAD 2010, để giành một suất chính thức tới Brazil dự Olympic Rio 2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.