Tái nhiễm Covid-19 thường nhẹ, nhưng cần tiêm mũi nhắc lại

Duy Tính
Duy Tính
01/08/2022 10:47 GMT+7

Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa tái nhiễm và tái phát Covid-19 . Các chuyên gia giải thích và khuyên nên đi tiêm vắc xin mũi nhắc lại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Chi hội truyền nhiễm TP.HCM giải thích, tái nhiễm Covid-19 là hết bệnh rồi nhiễm lại do bị lây. Tái dương là tái dương tính (tái phát - PV) trên cùng 1 chủng sau vài ngày âm tính do miễn dịch yếu và có nguy cơ chuyển nặng nếu thuốc chưa diệt hết vi rút.

Ngày 1.8: Cả nước 1.377 ca Covid-19, 9.648 ca khỏi

Chính phủ, Bộ Y tế kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19

ĐỘC LẬP

Cùng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng tái phát Covid-19 có tỷ lệ dưới 1%, chủ yếu xảy ra trên những người dùng thuốc, còn những người mắc bệnh tự hết thì không phải vấn đề lớn. Cần lưu ý, dù có thuốc tốt điều trị Covid-19 cũng không được chủ quan, vì có thể tái phát bệnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người từng nhiễm chủng Delta thì tái nhiễm Omicron khoảng 10%; mắc biến thể BA.2 tái nhiễm BA.5 khoảng 10 - 15%. "Nhưng khi tái nhiễm, bệnh sẽ nhẹ hơn, kể cả hậu Covid-19, không đe dọa tính mạng", bác sĩ Khanh giải thích.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo, người dễ bị tái nhiễm là do sau mắc Covid-19 không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cơ địa yếu và trong mùa dịch dễ bị tái nhiễm do lây nhau.

“Tái phát, hay tái nhiễm thường thì hậu Covid-19 nhẹ hơn do cơ thể đề kháng tốt hơn một chút. Cá biệt cũng có trường hợp nặng hơn do cơ địa, sức khỏe kém, do chủng mới”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

TP.HCM: Số ca cách ly tại nhà vượt 1.000

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 30.7, TP.HCM có 118 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca nhập viện. Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có 112 ca mắc Covid-19 đang điều trị, 27 ca cần hỗ trợ hô hấp, 3 ca đang thở máy xâm lấn. Đặc biệt, sau nhiều tháng liền, TP.HCM có 1.042 ca mắc Covid-19 nhẹ được cách ly tại nhà.

Dự báo có một làn sóng dịch nhẹ

Đánh giá về độc lực của biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron sau thời gian xâm nhập vào Việt Nam, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng qua thực tế và nghiên cứu trên thế giới, các biến thể vẫn nhẹ hơn Delta. Do Omicron độc lực nhẹ hơn, dân số tiêm ngừa tốt nên miễn dịch tốt hơn.

“Nếu thấy tiêm ngừa tốt hơn, không nguy hiểm, để bảo vệ mình thì nên đi tiêm. Theo các nghiên cứu, tiêm chủng là có lợi. Tuy nhiên có một số người không hiểu, vài bác sĩ theo quan điểm nghi ngờ làm cho người dân nghi ngờ theo nên công tác tiêm chủng bị ảnh hưởng. Đa số người dân đã có miễn dịch, số tử vong cũng giảm đáng kể so với trước đây”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyên.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, biến thể phụ BA.4, BA.5 không gây bệnh nặng hơn các chủng trước về tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, viêm phổi. Nếu nói gia tăng ca mắc thì phải so sánh với thời điểm đợt dịch thứ 4 mỗi ngày vài nghìn đến chục nghìn ca, còn hiện nay chỉ vài trăm ca.

“Theo quy luật của vi rút, càng về sau gây bệnh càng nhẹ. Nhưng nhà nào có người lớn tuổi, người có bệnh nền thì phải lo, không nên 'đi lung tung'. Nên tiêm ít nhất là mũi nhắc lại, nếu mắc bệnh cần phát hiện sớm để điều trị”, bác sĩ Khanh nói.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, dù biến chủng mới nào, cơ thể đã có kháng thể thì sẽ chống lại được, chỉ là chậm hơn và bị tổn hại nhiều hơn. Với vắc xin hiện nay, dù biến chủng nào vẫn có hiệu quả.

“Dự báo, sắp tới sẽ có làn sóng dịch mới nhưng yên tâm là sẽ nhỏ hơn hiện nay, biên độ giảm dần, và Việt Nam sẽ nhẹ hơn các quốc gia khác nhờ tiêm chủng tốt. Làn sóng dịch cứ 4 - 5 tháng sẽ tái phát, từ khi biến chủng Delta xâm nhập chúng ta đã thấy điều này. Khi dịch tăng, người dân e ngại không ra đường và miễn dịch tăng lên. 4 - 5 tháng sau người dân lơ là, kháng thể giảm thì dịch sẽ tăng trở lại. Đây cũng là lý do tiêm nhắc lại cho nhóm người có nguy cơ cao”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng thông tin.

Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, người bình thường cũng nên tiêm mũi nhắc lại, vì nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả người trẻ khi tiêm cũng giảm nguy cơ mắc bệnh…

TP.HCM chọn tháng 8 là tháng cao điểm tổ chức thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Việc này nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và phòng ngừa trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng do biến thể Omicron BA.4 và BA.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.