Tại sao ?

23/01/2022 07:23 GMT+7

Đó là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra trước đề xuất chấm dứt hạn chế di chuyển để cứu ngành du lịch của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF) trong bức thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây.

“Tại sao?” là bởi chúng ta đã mở cửa kinh tế từ 1.10.2021 với việc chuyển từ “Zero Covid-19” (không còn Covid-19) sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân theo cách tốt nhất có thể và phục hồi kinh tế - xã hội. Từ ngày 1.1.2022 đường bay quốc tế thương mại thường lệ đã chính thức nối lại. Chúng ta cũng đã công bố mẫu hộ chiếu vắc xin và đặc biệt, VN là 1 trong 6 nước có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới.

Nghĩa là về chủ trương, chiến lược cũng như các điều kiện cần và đủ đều đáp ứng, đều sẵn sàng cho một trạng thái bình thường mới thì “tất, lẽ, dĩ, ngẫu” là mở cửa đi lại, thông thương, làm gì có chuyện “hạn chế di chuyển” mà đề xuất bỏ? Thế nhưng, tiếc là cái việc tưởng là “tất, lẽ, dĩ, ngẫu” đó lại không xảy ra trên thực tế. Chỗ này chỗ kia vẫn “giăng” hàng rào kỹ thuật để hạn chế di chuyển cả nội địa và xuyên biên giới. Thế nên, không ít người VN ở nước ngoài đã và đang chọn về nước bằng cách bay đến Phnom Penh (Campuchia), rồi đi đường bộ về VN để tránh phải trả chi phí cao cho các chuyến bay hồi hương trọn gói. Cũng vì thế, mang tiếng mở cửa nhưng các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu trong nước vẫn chưa đón được vị khách quốc tế nào. Du lịch kiệt quệ kéo theo các ngành liên quan như khách sạn, nghỉ dưỡng, dịch vụ, hàng không... quặt quẹo, ốm yếu. Đó chính là lý do mà các tổ chức nói trên phải gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ với một đề xuất tưởng như vô lý nhưng lại cho thấy một bức tranh mở cửa nửa vời.

Không chỉ hạn chế di chuyển, nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch hiện nay cũng rơi vào tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” với chủ trương, quan điểm của Chính phủ, hoặc chậm trễ so với diễn biến thực tế. Ngay tại thời điểm này là việc một số xã, huyện đưa ra các “lệ làng” nhằm hạn chế người dân về quê ăn tết. Đến mức Thủ tướng Phạm Minh Chính trong công điện cách đây vài ngày phải yêu cầu các địa phương không đặt ra các quy định phòng chống dịch gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hay việc Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh điều kiện đối với hành khách đi lại bằng hàng không từ hôm qua, 22.1. Theo đó, sẽ không yêu cầu có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh và giấy xét nghiệm, mà lẽ ra nên thực hiện từ trước đó chứ không phải đợi đến bây giờ.

Để phục hồi kinh tế, Quốc hội đồng ý gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, có thể lên tới trên 320.000 tỉ đồng từ các nguồn trong và ngoài nước. Thế nhưng, gói hỗ trợ “lớn chưa từng có trong lịch sử” này, nỗ lực phủ vắc xin và mở cửa kinh tế suốt thời gian qua sẽ không thể đạt hiệu quả tốt nhất nếu tư duy phòng, chống dịch lạc hậu, bảo thủ vẫn tồn tại ở một số nơi, một số người, một số địa phương như nói trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.