Tại sao có những người ăn nhiều mà lúc nào cũng đói?

Tạ Ban
Tạ Ban
09/10/2019 09:27 GMT+7

Hầu hết mọi người đói trở lại sau bữa ăn vài giờ nhưng có một số người lại đói mọi lúc, đói bất chấp… Đây là những lý do bạn không ngờ tới.

Không đủ protein

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), protein đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự thèm ăn bằng cách điều chỉnh hoóc môn. Nó hoạt động bằng cách tăng sản xuất hoóc môn báo hiệu sự no và giảm mức độ hoóc môn kích thích cơn đói. Chất dinh dưỡng này được tìm thấy trong thịt, gia cầm, cá, trứng, sữa, đậu, hạt, ngũ cốc…

Ngủ không đủ

Ngủ giúp điều chỉnh ghrelin, hoóc môn kích thích sự thèm ăn và đảm bảo đủ lượng leptin, hoóc môn thúc đẩy cảm giác no. Thiếu ngủ dẫn đến mức ghrelin cao hơn. Đó là lý do tại sao bạn thấy đói khi bị thiếu ngủ.

Ăn quá nhiều carb tinh chế

Carb tinh chế là carb đã qua xử lý, tinh chế nên làm mất dinh dưỡng tự nhiên trong thực phẩm. Vì carb tinh chế thiếu chất xơ, cơ thể tiêu hóa chúng rất nhanh nên nhanh đói.
Hơn nữa, ăn carb tinh chế có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu dẫn đến tăng insulin. Nhiều insulin được giải phóng cùng một lúc sẽ nhanh chóng loại bỏ đường khỏi máu, có thể dẫn đến giảm lượng đường trong máu đột ngột (hạ đường huyết). Lượng đường trong máu thấp báo hiệu cho cơ thể cần nhiều thực phẩm hơn, khiến bạn cảm thấy đói thường xuyên, theo NCBI.
Để giảm lượng carb tinh chế, chỉ cần thay thế chúng bằng thực phẩm lành mạnh như rau, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc.

Ăn ít chất béo

Chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng sản xuất các hoóc môn thúc đẩy sự no. Nguồn thực phẩm giàu chất béo tốt là dầu dừa, cá béo, bơ, dầu ô liu, trứng, sữa chua, quả óc chó, hạt lanh…

Thiếu nước

Bạn có thể luôn đói nếu không uống đủ nước là vì nước có đặc tính giảm sự thèm ăn. Ngoài ra, bạn có thể nhầm lẫn cảm giác khát với cảm giác đói. Nếu lúc nào cũng đói, uống thử một hoặc hai ly nước để tìm hiểu xem bạn có khát nước không nhé.

Ăn thiếu chất xơ

Chất xơ làm giảm sự thèm ăn và giữ no. Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm tốc độ tiêu hóa. Lượng chất xơ cao cũng ảnh hưởng đến việc giải phóng hoóc môn làm giảm sự thèm ăn và sản xuất a xít béo chuỗi ngắn, được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy sự no.

Mất tập trung khi ăn

Ăn uống mất tập trung liên quan đến sự thèm ăn nhiều hơn, tăng lượng calo và tăng cân. Nó ngăn bạn nhận ra tín hiệu no/đói của cơ thể hiệu quả như khi không bị phân tâm, theo NCBI.

Tập thể dục nhiều

Người thường xuyên thể dục cường độ cao hoặc trong thời gian dài có xu hướng thèm ăn nhiều hơn và chuyển hóa nhanh hơn.

Uống nhiều rượu

Rượu nổi tiếng với tác dụng kích thích sự thèm ăn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng rượu có thể ức chế hoóc môn làm giảm sự thèm ăn, chẳng hạn như leptin, đặc biệt là khi nó được tiêu thụ trước hoặc trong bữa ăn.
Hơn nữa, rượu còn làm suy yếu phần não kiểm soát phán đoán và tự kiểm soát, khiến bạn ăn nhiều hơn, bất kể bạn đói ở mức nào.

Ăn thực phẩm dạng lỏng

Thực phẩm nghiền lỏng như sinh tố, canh đi qua dạ dày của bạn nhanh hơn so với thực phẩm rắn. Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm lỏng không tác động đến việc ức chế hoóc môn thúc đẩy cơn đói nhiều như thực phẩm rắn.

Căng thẳng

Căng thẳng quá mức làm tăng sự thèm ăn thông qua tăng mức độ cortisol, hoóc môn thúc đẩy cơn đói và thèm ăn.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng sự thèm ăn như thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống động kinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc tránh thai… Nếu nghi ngờ thuốc là nguyên nhân gây ra cơn đói thường xuyên, hãy trao đổi với chuyên gia y tế để có loại thuốc thay thế.

Triệu chứng của bệnh

NCBI cho hay đói thường xuyên là một dấu hiệu cổ điển của bệnh tiểu đường. Nó xảy ra là do kết quả lượng đường trong máu cao và thường đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm khát nước quá mức, giảm cân và mệt mỏi.
Bệnh cường giáp cũng liên quan đến tình trạng đói bất chấp. Điều này do bệnh gây ra sự sản xuất quá mức hoóc môn tuyến giáp, thúc đẩy sự thèm ăn.
Hạ đường huyết, hoặc lượng đường trong máu thấp, cũng có thể làm tăng mức độ đói. Ngoài ra, đói nhiều còn là triệu chứng của trầm cảm, lo lắng và hội chứng tiền kinh nguyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.