Tại sao Disney liên tục làm phim live-action?

21/07/2019 22:31 GMT+7

Đế chế tỉ đô của Disney đang tái thiết lập dựa trên các tác phẩm kinh điển trong quá khứ. Việc liên tục biến các bộ phim hoạt hình trở thành hiện thực thông qua định dạng live-action là một bước tiến bí ẩn của hãng này.

Phát súng đầu tiên tấn công thị trường điện ảnh năm nay của Disney chính là tác phẩm Dumbo. Đến thời điểm hiện tại, hãng này đã có 3 phiên bản live-action trình làng, bao gồm: Dumbo, AladdinThe Lion King. Theo đó, tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tung những siêu phẩm tương tự như: Maleficent, The Little Mermaid, Mulan, Lady and the Tramp… từ cuối năm nay đến 2020.
Bên cạnh sự ủng hộ từ phía khán giả, nhiều người không khỏi bày tỏ sự tò mò trước động thái đặc biệt của hãng phim đình đám này. Việc đào sâu vào “kho tàng” triệu đô trong quá khứ liệu sẽ mang lại điều gì cho Disney trong khi các hãng khác liên tục đánh mạnh vào chất lượng nội dung với loạt tác phẩm mới trong series ăn khách trình làng trước đó. Câu trả lời xác đáng nhất chính là: tiền.

Ôm trọn tỉ đô nhờ live-action

Thực tế từ năm 2010, Disney đã có 9 bộ phim được làm lại hoặc chuyển thể từ bản gốc phim hoạt hình. Trong khi nhận về nhiều ý kiến tích cực lẫn trái chiều từ nhiều phía, nhà sản xuất đã mang về thành công thương mại đáng nể sau mỗi lần phim ra mắt. Alice in Wonderland Beauty and the Beast đều kiếm được hơn 1 tỉ đô la tại phòng vé, trong khi The Jungle Book lại có sức mạnh khủng khiếp với 966,6 triệu USD. Siêu phẩm Aladdin năm nay cũng không hề kém cạnh với khoảng 960 triệu USD.

The Lion King là tác phẩm live-action ra mắt gần đây của Disney

Ảnh: Disney

Ngay cả những tác phẩm chuyển thể tệ nhất trong chuỗi tác phẩm kinh điển của hãng này cũng mang lại lợi nhuận đáng nể. Christopher Robin mang về doanh thu khá thấp. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa kinh phí sản xuất và hiệu quả thương mại thì mức độ chênh lệch là 122,7 triệu USD. Đáng chú ý, ngân sách của phim chỉ bằng 1/4 của hầu hết các bộ phim còn lại. Bên cạnh đó, Pete's Dragon tuy gây thất vọng nhưng vẫn mang về 143,7 triệu USD.
Thử làm phép đối chiếu về doanh thu giữa các bộ phim gốc với các bản live-action của Disney sẽ thấy rõ sự khác biệt. Những tác phẩm độc lập ra mắt gần đây của anh em nhà Disney đã phải vật lộn với hiệu ứng phòng vé. Trong đó, các tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng như: A Wrinkle in Time (132,7 triệu đô la), Tomorrowland (209,2 triệu đô la) và The Nutcracker và Four Realms (173,9 triệu đô la).
Tại sao Disney liên tục làm phim live-action?

Lưu Diệc Phi và tạo hình trong tác phẩm Mulan

Ảnh: Disney

Chia sẻ với Digital Spy, cây bút phê bình Scott Mendelson của tờ Forbes cho biết: “Trong khi Disney thực hiện các bộ phim dạng live-action để bổ sung vào các phần phim gốc, hãng này đã gặp may mắn một cách khủng khiếp trong 15 năm qua với loạt tác phẩm hoàn toàn mới mẻ”. Ngoài ra, ông còn nói rằng những bộ phim quen thuộc với cốt truyện và nhân vật quen thuộc hiện đang thu hút lượng lớn người xem.

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Chia sẻ trên The Hollywood Reporter, đại diện phía nhà sản xuất của hãng phim tỉ đô, chủ tịch sản xuất tại Walt Disney Studios bày tỏ: “Chúng tôi nghĩ rằng nếu Iron Man, Thor và Captain America là những siêu anh hùng của Marvel, thì có lẽ Alice, Cinderella, Mowgli và Belle là những siêu anh hùng của chúng tôi”. Ngoài ra, ông trùm phim ảnh còn tiết lộ việc kinh doanh dựa trên vốn sẵn có nhằm củng cố thương hiệu của Disney.
Xu hướng tái khởi động các tác phẩm kinh điển không phải là cuộc đua đơn độc của dòng phim hoạt hình của Disney. Trước đó, những tác phẩm có doanh thu cao nhất năm ngoái lần lượt gọi tên: Black Panther, Aquaman, Venom, Bohemian Rhapsody…
Tại sao Disney liên tục làm phim live-action?

Loạt nhân vật bước ra từ hoạt hình trong các tác phẩm của Nhà chuột

Ảnh: Disney

Hiện tại, tập đoàn Walt Disney đã thực hiện 9 phiên bản live-action cùng 3 bản chuyển thể từ hoạt hình kinh điển. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng chỉ được làm lại một lần từ phiên bản gốc. Thực tế, The Jungle Book đã có bản live-action năm 1994, sau đó 2 thập niên, Walt Disney tiếp tục ra mắt phiên bản tương tự nhưng cải tiến về công nghệ. Do đó, việc cải tiến công nghệ và tái khởi động những tác phẩm hiện thực không phải là giới hạn để khiến Disney dừng chân.
Việc biến các tác phẩm kinh điển thành hiện thực gây nhiều tranh cãi lẫn chỉ trích. Đa phần các luồng ý kiến trái chiều tập trung vào việc hãng này phá hủy hình tượng nhân vật làm nên tuổi thơ một thời của nhiều thế hệ khán giả. Tuy nhiên, bất kỳ ''cơn bão'' chỉ trích nào cũng có điểm dừng, hơn hết, sự nổi giận của khán giả chỉ là phản ứng nhất thời trước sự thay đổi đột ngột. Và những người phản đối cũng chỉ là một bộ phận trong tổng thể khán giả.
Trở lại với những con số ấn tượng về mặt thương mại cùng nhận định của Scott Mendelson, rõ ràng, những sự kiện và nhân vật quen thuộc đều đạt được lượng khán giả trung thành nhất định. Do đó, Disney chắc chắn sẽ không từ bỏ cơ hội này. Thậm chí, việc thêm thắt những chi tiết, yếu tố nội dung mới mẻ dù là ít ỏi trong các siêu phẩm nhẵn mặt vẫn có thể sinh lời đáng kể.
Tận dụng kho tàng điện ảnh lừng danh trong quá khứ đang biến đế chế tỉ đô của Nhà chuột trở nên hùng mạnh. Tuy nhiên, để duy trì phong độ và tạo nên bứt phá lại là một câu chuyện khác. Xu hướng điện ảnh thì luôn vận hành và thay đổi không ngừng. Bám víu quá khứ hay thiết lập tương lai, vẫn còn là một ẩn số mà Disney bỏ ngõ trong lòng người hâm mộ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.