Tại sao không xây bệnh viện, trường học mà làm nhà hát 1.500 tỉ đồng?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/10/2018 18:41 GMT+7

Nhiều bạn trẻ tỏ ra bất ngờ trước tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng , Nhà hát vũ kịch ở quận 2, TP.HCM tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, từ ngân sách thành phố.

Không đưa ra một lời bình luận nào, anh Nguyễn Văn Trí, 29 tuổi, làm nội dung (content) cho các thương hiệu trên mạng xã hội chỉ chia sẻ hai hình ảnh đứng cạnh nhau, trên Facebook cá nhân anh chiều 9.10: Hình ảnh chụp màn hình bài báo Bệnh viện quá tải, cấp cứu cũng phải chờ phòng (Báo Thanh Niên) và hình ảnh chụp màn hình bài báo về dự thảo xây dựng nhà hát 1.500 tỉ đồng được nhiều báo chí đăng tải.
Ca sĩ, MC Lê Vỹ (TP.HCM) bày tỏ: “Xây nhà hát thì cũng tốt, nhưng 1.500 tỉ đồng thì có phải quá lớn, quá lãng phí hay không?”.

“Tôi nhiều lần vào làm việc tại các nhà hát lớn của Việt Nam như Nhà hát lớn TP.HCM và nhiều tỉnh thành, tôi thấy rằng nơi đây hầu như phục vụ cho các chương trình, sự kiện có tính thương mại của các nghệ sĩ lớn, đâu có các chương trình phục vụ cho người dân bình thường vào xem. Có thể thấy người có thu nhập cao vào nhà hát xem Mỹ Linh, Tuấn Hưng… hát chẳng hạn, chứ mấy người lao động bình thường, người đạp xích lô, bác xe ôm vào nhà hát mua được vé vào nhà hát xem những chương trình này”, ca sĩ, MC Lê Vỹ nói.
“Tôi thắc mắc là tại sao số tiền lớn như vậy chúng ta không xây trường học, bệnh viện để trẻ em được thoải mái đến trường, người bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đất nước chúng ta còn nghèo, người dân ăn chưa no, áo chưa ấm thì phải chăng quá sớm để nói chuyện hưởng thụ?”, anh Lê Vỹ thẳng thắn.
Đoàn Thiên Ân, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), hoa khôi cuộc thi Gương mặt nữ sinh áo dài 2018 cũng cho biết cô không phản đối chủ trương xây dựng nhà hát lớn ngay ở địa phương mình đang sinh sống và học tập, nhưng con số 1.500 tỉ đồng là quá lớn.
“Tôi nghĩ rằng có thể xem xét xây dựng quy mô nhỏ hơn, còn lại ta có thể đầu tư cho trường học, bệnh viện được không? Việt Nam đã có quá nhiều công trình đồ sộ, được thế giới biết đến, tuy nhiên xây dựng gì thì cũng vẫn phục vụ mục đích của con người, nó phải được phát huy hết công năng, còn xây xong những công trình đồ sộ mà bỏ đó thì thật không cần thiết”, Thiên Ân nói.
Anh N.T.T, 29 tuổi, điều dưỡng viên, Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.HCM) thở dài: “Những ngày có dịch sởi, tay chân miệng này, Bệnh viện Nhi đồng quá đông. Còn ngày thường ư, hãy đến thử một buổi sáng để xem dòng người bồng bế con em mình đi xếp hàng lấy số thứ tự để khám bệnh. Nhà hát liệu có thể chữa khỏi bệnh cho con em mình không?”.
Chị Nguyễn Bảo Trân, 32 tuổi, giáo viên Trường mầm non tư thục B.H.N (đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP.HCM) cho hay: “Tôi không nghĩ rằng, xây dựng nhà hát thì ngay lập tức dân trí sẽ được tăng cao. Chúng ta không thể phủ nhận nhà hát sẽ khiến hình ảnh đô thị, hình ảnh TP.HCM sang trọng và đẹp đẽ hơn, nhưng nó sẽ chỉ là cái vỏ bên ngoài nếu con em chúng ta xếp hàng thâu đêm để được vào một trường tiểu học công lập, hay cấp cứu cũng phải chờ đến lượt vì bệnh viện quá đông”.
Trong khi đó, ở góc độ khác, chuyên gia cảnh quan Nguyễn Mạnh Bình San (nhà sáng lập Family Garden, 28 Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) nhìn nhận: “Tôi là người yêu nghệ thuật, tôi ủng hộ dự án xây nhà hát. Cái quan trọng là phải đưa ra giải pháp hiệu quả xã hội, làm sao công trình đó có hiệu quả nhất cho công chúng. Chúng ta không thể nói 1.500 tỉ đồng là lãng phí, còn 150 tỉ đồng thì không lãng phí. Nếu tính toán tốt, một công trình 1.500 tỉ đồng sẽ làm xứng tầm với thành phố, đó là khai thác hợp lý. Còn nếu chỉ vài tỉ đồng, nhưng công trình làm ra chẳng ai khai thác, bỏ hoang, đó mới là lãng phí”.
Ngày 8.10, HĐND TP.HCM khóa 9 tổ chức kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.
Kỳ họp thảo luận nhiều nội dung và tờ trình, trong đó đáng chú ý là việc thông qua tờ trình về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) và đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018 - 2020 ở TP.
Liên quan dự án xây dựng nhà hát, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đọc tờ trình cho biết nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng từ ngân sách TP.
Kinh phí xây dựng nhà hát lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn (Q.1). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT). Việc xây dựng nhà hát để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm...
Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.