Tại sao nói 'Tây du ký' nuôi sống nửa làng giải trí Hoa ngữ?

27/10/2021 10:59 GMT+7

Trong “tứ đại danh tác” của Trung Quốc , Tây du ký được dựng thành phim nhiều nhất. Tác phẩm có tuổi đời gần 500 năm chứng tỏ sức hấp dẫn thông qua số lượng dự án phim đều đặn hằng năm.

Tây du ký của Ngô Thừa Ân là tác phẩm giữ nhiều kỷ lục khi chuyển thể. Trong đó phiên bản truyền hình năm 1986 do đài CCTV thực hiện từng được phát sóng 4.000 lần. Trang Xinhuanet ước tính từ năm 1926 đến nay đã có hơn 100 bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Tây du ký, bắt đầu từ phim câm ra mắt công chúng đầu tiên là Động bàn tơ năm 1927 tại Thượng Hải.

Phiên bản truyền hình năm 1986 vẫn được yêu thích đến hiện nay

Weibo

Đối với điện ảnh hiện đại, Châu Tinh Trì là một trong những diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất hứng thú với đề tài này. Năm 2013, sau bộ phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện của ông gây sốt phòng vé với cách kể chuyện hài hước, lý giải nội dung kinh điển một cách bất ngờ thì Tây du ký càng được khai thác nhiều hơn. Cùng với sự phát triển của công nghệ mới, từ 2013 đến nay có khoảng 93 bộ phim điện ảnh trực tuyến, phim hoạt hình… khai thác nội dung của bộ truyện này. Chỉ tính riêng năm 2021 đã có phim hoạt hình Tây du ký: Yêu vương tái thế, phim điện ảnh Tây du chi song thánh chiến thần, Tây du ký: Hồng hài nhi... ra mắt.

Củng Lợi trong hậu trường phim Tây du ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh năm 2016

Weibo

Sở hữu nhiều lợi thế nhưng không phải phim Tây du ký nào cũng thành công, thậm chí còn nhận nhiều chỉ trích vì làm hỏng tác phẩm kinh điển. Theo 163, tháng 4 vừa qua Tây du chi song thánh chiến thần do Trần Hạo Dân đóng chính phát hành dưới dạng trực tuyến thu được 1,56 triệu tệ (khoảng 5,5 tỉ đồng) sau 5 ngày. Đến nay chỉ có một số bản phim để lại ấn tượng như Tây du ký: Đại náo thiên cung, Tây du ký: Đại thánh quay lại, Tây du ký: Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đại thoại Tây du, Ngộ Không truyện, Tây du ký: Nữ nhi quốc, Xin hỏi đường đi ở đâu… Tuy vậy, vẫn có nhiều dự án khác đang sản xuất theo thống kê trên trang Douban như Tây du ký: Tỳ kheo quốc, Tây du ký: Chân giả Mỹ hầu vương, Tây du ký chi Đại thánh náo thiên cung, Tây du ký: Ba lần mượn quạt ba tiêu… sẽ ra mắt trong thời gian sớm nhất.

Tây du ký: Mối tình ngoại truyện (2013) mở đầu trào lưu cải biên mới của tác phẩm Tây du ký ở lĩnh vực điện ảnh

weibo

Tại sao có nhiều cạnh tranh mà Tây du ký vẫn có sức hấp dẫn với các nhà sản xuất đến vậy?

Trước hết, đây là tác phẩm đã vượt quá thời gian xin phép và trả tiền bản quyền nên sẽ giảm chi phí sản xuất. Kế đến, những yếu tố tưởng tượng về không gian gồm thiên đường, trần gian, hạ giới trong truyện phong phú nên giúp các biên kịch có thể thoải mái sáng tạo thêm nhiều yếu tố mới. Trong giai đoạn cơ quan xiết chặt nội dung phim ảnh thì tác phẩm thuộc hàng kinh điển như Tây du ký là lựa chọn an toàn. Tác phẩm này còn sở hữu lượng khán giả hâm mộ lớn. Dù phiên bản mới ra mắt hàng năm rất nhiều nhưng chỉ cần có tên Tây du ký hoặc các chi tiết liên quan trong truyện thì sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tây du ký: Nữ nhi quốc (2018) se duyên cho Triệu Lệ Dĩnh và Phùng Thiệu Phong

weibo

Trang Xinhuanet phân tích, trong tứ đại danh tác, ba tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng đều gắn với một thời kỳ lịch sử nhất định nên đoạn kết không thể thay đổi, bị giới hạn sáng tạo. Và đặc biệt ba tác phẩm này đều là bi kịch. Còn Tây du ký là tác phẩm về thế giới tưởng tượng và có kết thúc đẹp mỹ mãn duy nhất. Hành trình thỉnh kinh ở Ấn Độ của bốn thầy trò cũng chứa nhiều câu chuyện luôn mang lại cảm giác hào hứng, vui vẻ cho người xem. Những triết lý nhân sinh của văn hoá phương Đông như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… được lồng ghép khéo léo.

Phim điện ảnh phát hành trực tuyến Tây du chi song thánh chiến thần (2021) có kỹ xảo đẹp mắt

weibo

Tây du ký sở hữu lượng nhân vật khá lớn. Ngoài bốn thầy trò Đường Tăng, các nhân vật khác là thần tiên, yêu quái… không có giới hạn. Đối diện với mỗi kiếp nạn trên đường thỉnh kinh, mỗi nhân vật chính đều có diễn biến tâm lí phức tạp nên là cơ hội để diễn viên phát huy khả năng diễn xuất. Ngoài Lục Tiểu Linh Đồng là hình tượng kinh điển về Tôn Ngộ Không, nhiều diễn viên nổi tiếng bậc nhất của làng giải trí Hoa ngữ từ thời kỳ đầu là Lý Liên Kiệt, Châu Tinh Trì, Quách Phú Thành, Huỳnh Bột, Chân Tử Đan, Trương Vệ Kiện, Bành Vu Yến, Hàn Canh, Lâm Canh Tân… cũng từng thể hiện nhân vật này. Các diễn viên Tạ Đình Phong, Phùng Thiệu Phong, Ngô Kinh, Văn Chương, Ngô Diệc Phàm… thì nhập vai Đường Tăng trong những phiên bản Tây du ký khác nhau. Về phía diễn viên nữ thì có Củng Lợi, Triệu Lệ Dĩnh, Thư Kỳ, Thái Trác Nghiên, Chung Hân Đồng… Có thể thấy, lớp diễn viên thực lực đang sung sức, các nhà sản xuất hàng đầu hiện nay đều ít nhiều tham gia tác phẩm này. Vì vậy, câu nói "Tây du ký nuôi sống nửa làng giải trí Hoa ngữ" được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc được nhiều người đồng tình.

Cuối cùng, so với thời kỹ xảo thô sơ của bản phim truyền hình năm 1986 thì hiện nay công nghệ đồ hoạ đã tiến bộ vượt bậc. Các yếu tố kỳ ảo dày đặc trong cốt truyện của Tây du ký giúp phô diễn trình độ kỹ xảo, hoá trang trong phim. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy các nhà sản xuất mạnh dạn lựa chọn dự án phim liên quan đến tác phẩm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.