Poly-working hay còn gọi là poly-employment (có nghĩa là làm nhiều việc cùng lúc) được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ trở thành xu hướng làm việc nổi trội, được nhiều người trẻ - Gen Z (Generation Z, thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010) lựa chọn, đặc biệt là trong năm 2024.
Sở dĩ, xu hướng làm việc này trở nên phổ biến ở Gen Z là vì lương tháng hiện tại hầu như không đủ để họ chi trả các chi phí. Trong khi vật giá tăng chóng mặt thì lương lại là thứ duy nhất không tăng hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, Gen Z chọn Poly-working còn vì nhiều lý do liên quan đến kinh nghiệm, đặc thù thế hệ…
Bằng chứng là trong một cuộc khảo sát mới nhất của Công ty Deloitte, có đến 46% Gen Z và 37% Gen Y (thế hệ Millennials, sinh từ 1981 - 1996) đang làm thêm một công việc bán thời gian khác bên cạnh công việc chính. Thậm chí, một số người còn làm song song 2 công việc toàn thời gian.
Làm 2 - 3 ca 1 ngày là chuyện bình thường
Tờ mờ sáng, chị Tùng Mỹ Chi (25 tuổi, TP.HCM) vừa kết thúc công việc dịch thuật cho một công ty nước ngoài. Đây là ca làm việc thứ 2 trong ngày của chị Chi. Hiện nay, chị đang làm cùng lúc 2 công việc cho 2 công ty khác nhau.
“Hậu dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn nên tôi đã bắt đầu làm thêm một công việc khác. Không chỉ riêng tôi, bạn bè tôi ở thời điểm hiện tại cũng cày ngày đêm, có đứa còn làm 3 đầu việc. Tuy nhiên, để bảo đảm có đủ thời gian hoàn thành công việc cho cả 2 bên, tôi luôn ưu tiên những công việc linh hoạt giờ giấc, địa điểm, không có quá nhiều quy định gò bó. Làm nhiều việc có cái lợi là được học thêm nhiều thứ, được mài giũa kỹ năng, có thêm thu nhập nhưng đổi lại là áp lực và sức khỏe giảm sút”, chị Chi nói.
Chị nói thêm, Poly-working là xu hướng làm việc phổ biến ở người trẻ. Bây giờ còn là thế giới phẳng, công việc, họp hành đều làm online nên nếu chỉ làm 1 việc, chờ đến tháng lấy lương thì quá uổng phí. Theo quan điểm của chị Chi, chuyện người trẻ làm 2 - 3 việc là hết sức bình thường.
Làm nhiều việc để có nhiều nguồn thu nhập
Qua giới thiệu của chị Chi, tôi được biết và có cơ hội trò chuyện với anh Thanh Phong (27 tuổi, TP.HCM), anh vừa là một nhiếp ảnh gia vừa là nhà sáng tạo nội dung số, kiêm luôn vị trí chủ shop quần áo online.
Vì cùng lúc đảm nhận nhiều công việc, anh Phong phải dán mắt vào màn hình máy tính ít nhất là 15 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, anh cảm thấy hài lòng vì nó mang lại cho anh một nguồn thu nhập tương đối cao.
“3 là con số bình thường, có những giai đoạn tôi còn làm 5 - 6 việc cùng lúc. Nhiếp ảnh là đam mê, những việc khác là để nuôi sống đam mê. Cái gì cũng cần có sự đánh đổi, tôi thấy mình còn trẻ nên cố gắng làm nhiều việc để nhanh chóng tiến đến gần mục tiêu to lớn của mình", anh Phong nói.
Khi được hỏi làm nhiều việc cùng lúc như vậy, anh có còn thời gian dành cho bản thân, gia đình và những công việc khác hay không, anh Phong lắc đầu cười trừ. Từ ngày làm nhiều việc, thời gian ngủ của anh còn hiếm hoi, đã lâu lắm rồi anh không đi cà phê, tám chuyện với bạn bè. Thậm chí cả khi đang đi vệ sinh hay đi tắm, anh cũng cầm theo điện thoại vì sợ lỡ cuộc gọi của đối tác.
Tương tự, chị Phùng Bích (25 tuổi, TP.HCM) cũng tự nhận mình “ba đầu sáu tay” khi làm nhiều việc cùng lúc. Cuộc trò chuyện giữa người viết và chị Bích liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi gấp từ sếp, từ khách hàng, yêu cầu chị phải sửa báo cáo ngay trong đêm.
“Vất vả là vậy nhưng đổi lại, thu nhập của tôi đa dạng hơn, an toàn hơn. Tôi đặt mục tiêu tự do tài chính trong 10 năm tới nên bây giờ tranh thủ cày cuốc để nghỉ hưu sớm”, chị Bích nói.
Luôn có phương án dự phòng
Một lý do khác mà nhiều người trẻ chọn Poly-working chính là có cho mình những “phương án dự phòng”.
Chị Hồng Mỹ (25 tuổi, TP.HCM) đang làm song song cho 2 công ty khác nhau nhưng giống về vị trí làm việc. Chị cho hay, chị không đặt nặng việc gắn bó lâu dài với bất kỳ công ty nào. Hiện nay, thị trường kinh tế khó khăn, nhân sự bị cắt giảm liên tục. Vậy nên chị phải sắp xếp phương án dự phòng cho mình ngay từ trước, mất chỗ này thì có chỗ khác thế vào ngay.
“Thế hệ trẻ chúng tôi có cách nhìn nhận về nơi làm việc không giống với thế hệ đi trước. Tôi chủ động xây dựng kế hoạch cho mình từ lâu, không muốn bản thân rơi vào thế bị động nếu có tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi đứng núi này trông núi nọ. Làm nhiều việc nhưng tôi bảo đảm bên nào cũng hoàn thành nhiệm vụ tốt, làm đúng vai trò của mình”, chị Mỹ bộc bạch.
Với chị, chọn Poly-working là một lựa chọn sáng suốt. Các bạn trẻ mới ra trường chưa tìm được công ty mơ ước cũng có thể thử Poly-working, làm freelancer.
Phân biệt Poly-working với Multitasking
Nhiều người hay nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này. Poly-working là người lao động có thể cùng một lúc làm việc cho nhiều công ty khác nhau. Poly-working tạo nên sự linh hoạt về mặt thời gian, thu nhập trong công việc.
Còn Multitasking là làm việc đa nhiệm. Có nghĩa là người lao động có khả năng thực thi đồng thời nhiều tác vụ, vai trò trong cùng một khoảng thời gian, chức vụ nhất định.
Hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển dụng người có khả năng làm việc đa nhiệm để nhanh chóng mang lại giá trị cao cho công ty.
Làm nhiều việc để nghỉ hưu sớm
Chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát với 10 người chọn Poly-working trong độ tuổi từ 20 - 35 ở TP.HCM thì thu được nhiều ý kiến khác nhau. Điểm chung của 10 người này chính là có mục tiêu tự do tài chính rồi nghỉ hưu sớm. Làm nhiều việc cùng lúc giúp cho họ có thêm nhiều nguồn thu nhập, tích lũy nhanh hơn. Họ bằng lòng chịu đựng áp lực để hướng đến tương lai được nghỉ hưu sớm, tận hưởng cuộc sống không còn cạnh tranh, lo toan.
Một lý do tiếp theo mà 8/10 người trong cuộc khảo sát đưa ra đó làm Poly-working khiến họ không còn thời gian tiêu tiền. Vì phải làm nhiều việc liên tục, họ chỉ còn vừa đủ thời gian để ăn và ngủ. Có người mấy tháng liền chưa có một cuộc hẹn nào với gia đình, bạn bè, không đi ăn uống, mua sắm bên ngoài.
Bình luận (0)