Theo Nikkei, thiết bị này rất cần thiết đối với các sản phẩm tiên tiến nhất của Samsung. ASML đã xuất xưởng 100 thiết bị trên toàn thế giới nhưng hơn 70% đã đến tay đối thủ của Samsung là TSMC.
Chuyến đi của Lee Jae-yong báo hiệu sự khủng hoảng đối với Samsung. Samsung đã thua TSMC trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến. Công ty đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm tiên tiến như bộ phận xử lý trung tâm - đóng vai trò là bộ não của smartphone - và mất thị phần trong lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng. Sự kém cỏi trong các sản phẩm mũi nhọn có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các mặt hàng cốt lõi khác như bộ nhớ bán dẫn và smartphone.
Khi được hỏi về khoảng cách công nghệ với TSMC tại cuộc họp cổ đông hồi tháng 3, Kim Kinam - giám đốc bộ phận bán dẫn của công ty cho biết: "Khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong các quy trình tiên tiến là có thể so sánh được. Chúng tôi đã đảm bảo được các khách hàng lớn và đang thu hẹp khoảng cách".
Nhưng vào ngày 29.4, Samsung báo cáo lợi nhuận hoạt động của bộ phận bán dẫn giảm 16% xuống còn 3.370 tỉ won (3,03 tỉ USD) trong quý 1, mặc dù doanh thu tăng 8% lên 19.010 tỉ won, đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận đầu tiên trong năm.
Các công ty môi giới đổ lỗi cho mảng kinh doanh phi bộ nhớ (non-memory) của Samsung, liên quan đến hợp đồng sản xuất CPU và chip truyền thông. Một nhà máy ở Texas đã phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 2 do mất điện giữa đợt rét kỷ lục, dự kiến hoạt động bình thường trở lại từ tháng 4 - 6, nhưng những khó khăn kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến Qualcomm và các khách hàng khác.
Samsung phải vật lộn để ra mắt sản phẩm hiện đại nhất tại quê nhà Hàn Quốc. Một số nhà cung cấp cho biết công ty đã chậm trễ trong việc thúc đẩy sản lượng chip tiên tiến với mạch 5 nanomet. Samsung đã đi sau TSMC vài tháng khi bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 5 nm và khoảng cách công nghệ càng nới rộng kể từ đó.
Chiều rộng mạch bán dẫn càng mỏng thì hiệu suất xử lý càng cao và tiêu thụ điện năng càng thấp. Điều này cũng hỗ trợ trong việc thu nhỏ các thiết bị điện tử.
Tình trạng thu gom điên cuồng máy sản xuất chip dường như đã gây ra sự chậm trễ. Thiết bị được gọi là kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) đã khiến Lee Jae-yong phải đến Hà Lan khẩn cấp. Dù Samsung đang tăng số lượng mua nhưng vẫn không giành lấy nhiều công nghệ sản xuất như TSMC.
Quy mô đầu tư theo yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng cũng có thể sẽ tác động đến Samsung. Vào tháng 4, TSMC tiết lộ kế hoạch phân bổ 100 tỉ USD cho chi tiêu vốn cho đến năm 2023 để phản ứng đối với sự thiếu hụt chất bán dẫn.
Samsung có kế hoạch đầu tư khoảng 40 tỉ USD trong năm 2021, nhưng phần lớn tập trung vào bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và các chip nhớ khác. Quy mô đầu tư của Samsung thấp hơn TSMC - vốn chuyên về sản xuất theo hợp đồng.
Các khách hàng lớn của Mỹ như Apple và Advanced Micro Devices thuê gia công hầu hết các đơn đặt hàng với TSMC và trở ngại để Samsung đạt được quy mô đó là rất cao.
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đóng vai trò nhất định. Đài Loan và Mỹ đoàn kết chống lại Bắc Kinh, trong khi Hàn Quốc duy trì chính sách ngoại giao hai chiều, điều đó có nguy cơ cô lập các công ty Hàn Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Việc Samsung giảm khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn cao cấp có thể lan rộng ra những lĩnh vực kinh doanh khác. Mặc dù chất bán dẫn không dùng bộ nhớ được sản xuất theo hợp đồng chỉ chiếm 7% tổng doanh số bán dẫn, nhưng hiệu suất của smartphone Samsung phụ thuộc vào CPU và cảm biến hình ảnh. Apple - đối thủ của Samsung trong lĩnh vực smartphone đã thuê gia công toàn bộ sản lượng CPU cho TSMC, và khoảng cách công nghệ giữa Samsung với TSMC có thể phát triển thành khoảng cách giữa Samsung với Apple về hiệu suất smartphone.
Smartphone và chip bộ nhớ chiếm 60% tổng doanh số của Samsung. Nếu Samsung tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ dành cho các chất bán dẫn tiên tiến thì điều đó có thể dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận của công ty nói chung.
Bình luận (0)