Tại sao Trung Quốc cử phái đoàn ngoại giao tới 8 nước châu Âu?

20/04/2022 18:02 GMT+7

Một phái đoàn ngoại giao Trung Quốc sẽ đến 8 nước Trung và Đông Âu với hy vọng xua tan nghi kị đang ngày càng gia tăng về mối quan hệ "không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moscow.

Bà Hoắc Ngọc Trân, đại diện đặc biệt của Trung Quốc tại diễn đàn Hợp tác Trung Quốc với Trung và Đông Âu (hay còn gọi là "16+1"), sẽ dẫn đầu phái đoàn thăm châu Âu. Các điểm dừng chân bao gồm Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan, theo thông báo trên Twitter của vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đây sẽ là phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc tới khu vực kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24.2.

Một số thành viên trong phái đoàn Trung Quốc đi Trung và Đông Âu, bao gồm bà Hoắc Ngọc Trân (ngoài cùng bên trái)

Twitter/@WangLutongMFA

Chuyến đi "kiểm soát thiệt hại"

Chuyến đi cũng diễn ra sau khi Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi "17+1" vào năm ngoái, với lý do diễn đàn không đem lại lợi ích thương mại như mong đợi. Quan hệ giữa Vilnius và Bắc Kinh sau đó đã xấu đi đáng kể vì vấn đề Đài Loan, dẫn đến căng thẳng ngoại giao và thương mại giữa Trung Quốc và EU.

Bà Justyna Szczudlik, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, cho biết đây là chuyến đi mang tính chất "kiểm soát thiệt hại" vì các nước Trung và Đông Âu "rất thất vọng" trước quan điểm của Bắc Kinh về xung đột Nga - Ukraine.

Tổng thư ký LHQ lên án Nga, kêu gọi đình chiến trong 4 ngày

Đến nay, Trung Quốc không lên án Nga như các nước phương Tây, cũng không công khai tuyên bố đứng về phía Nga. Song tại Trung và Đông Âu, phản ứng của Bắc Kinh được diễn giải là ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

Báo Global Times nói chuyến thăm châu Âu của phái đoàn Trung Quốc là nhằm để xua tan những hiểu lầm về lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc chiến tại Ukraine.

"Vì Mỹ nỗ lực bôi nhọ lập trường độc lập của Trung Quốc về Ukraine và miêu tả Trung Quốc và Nga là những đồng minh xấu xa, các nước ở Trung và Đông Âu có thể có nhiều hiểu lầm hơn về Trung Quốc. Trong bối cảnh như vậy, phái đoàn Trung Quốc sẽ giải thích lập trường của Trung Quốc, bác bỏ thông tin sai lệch và làm rõ những hiểu lầm", tờ báo dẫn lời ông Thôi Hồng Kiện, người phụ trách mảng nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc.

Theo một chuyên gia về châu Âu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, chuyến đi của bà Hoắc, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Cộng hòa Czech và Romania, là "rất đúng thời điểm và rất cần thiết".

"Trước hết, Trung Quốc phải làm rõ mối quan hệ Trung - Nga chính xác là gì; thứ hai, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia khác nhau; và thứ ba, quan điểm của Trung Quốc đối với xung đột Nga - Ukraine ra sao, để xem Trung Quốc giành được sự ủng hộ từ những quốc gia này như thế nào", giáo sư Vương Nghĩa Nguy nói trên South China Morning Post.

Bộ trưởng Shoigu lên án phương Tây muốn chống Nga 'đến người Ukraine cuối cùng'

Nghi ngờ gia tăng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã gặp Đại sứ Nga Andrey Denisov hôm 18.4. Trong cuộc trao đổi, ông Lạc nói "dù tình hình quốc tế diễn biến như thế nào, Trung Quốc vẫn sẽ tăng cường phối hợp chiến lược với Nga, đạt được hợp tác cùng có lợi và cùng bảo vệ lợi ích chung của cả hai bên", theo đài CGTN.

Hồi đầu tháng 2, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố hợp tác giữa hai nước là "không giới hạn" sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, các quốc gia ở Baltic và Trung Âu đã thúc đẩy việc trừng phạt Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, và các nước như Cộng hòa Czech, Slovakia, Slovenia, Estonia và Latvia đã viện trợ quân sự cho Kyiv.

Theo giáo sư Vương, các nước Baltic cũng như Trung và Đông Âu tin rằng tuyên bố "hợp tác không giới hạn" có nghĩa là Trung Quốc và Nga trở thành liên minh và Trung Quốc ủng hộ Nga.

"Trung Quốc cần làm rõ rằng hợp tác 'không giới hạn' là một cách để răn đe Mỹ", ông nói.

Trung Quốc nói sẽ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine theo cách riêng

Chuyên gia Szczudlik nhận định Bắc Kinh dường như đã ý thức được rằng các nước trong khu vực đang mất dần thiện cảm với Trung Quốc. Do đó, phái đoàn Trung Quốc sẽ cố gắng thuyết phục các nước Trung và Đông Âu rằng vẫn còn không gian hợp tác và "16+1" (vốn là 17+1 trước khi Lithuania rút khỏi) vẫn còn phù hợp. Năm nay là kỷ niệm 10 năm diễn đàn này ra đời.

Tuy nhiên, việc Lithuania ra đi vốn đã khiến khuôn khổ hợp tác này rơi vào "khủng hoảng sâu sắc". Và thái độ của Trung Quốc đối với Nga có thể khiến 16+1 bị "đóng băng dài hạn" hoặc thậm chí bị xóa sổ, theo bà Szczudlik.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.