Tái sinh nhạc 'xưa'

Ngọc An
Ngọc An
12/11/2020 06:18 GMT+7

Đêm nhạc của Saigon Soul Revival vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) đã không còn một ghế trống.

Khán giả đến đây có thể tìm lại những thanh âm của âm nhạc Việt Nam thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước trong không khí âm nhạc mới.
Trong khán phòng, nửa khán giả là khách “Tây”, nửa là “ta”, ở nhiều lứa tuổi khác nhau đến để nghe thứ âm nhạc vừa quen vừa lạ…

Khi âm nhạc không chỉ gợi nhắc ký ức

Saigon Soul Revival đã lục tìm trong những tài liệu lưu trữ âm nhạc Việt những năm 1960 - 1970 để tái sinh khối di sản này. “Trước đó, khi lần đầu tiên được nghe những tác phẩm nhạc Việt thời kỳ này, tôi đã bị hấp dẫn bởi thứ âm nhạc mộc mạc nhưng tinh tế”, nghệ sĩ guitar người Pháp gốc Việt Indy Jeremy Vinh Laville, thành viên của nhóm, chia sẻ.
Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, nhạc Việt có sự pha trộn giữa nhiều dòng nhạc thịnh hành như như rock, soul, pop, bolero… với chất nhạc và ca từ Việt Nam. “Sự ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây tới nhạc Việt trong thời kỳ đó là rất dễ hiểu. “Đài phát thanh vẫn thường xuyên phát những tác phẩm âm nhạc quốc tế thịnh hành, nhiều ban nhạc chơi, phục vụ âm nhạc phương Tây cho lính Mỹ nghe ở khắp các góc phố, quán bar… Nhưng dù ảnh hưởng, nhạc Việt vẫn rất khác biệt, hay nói cách khác, là không giống bất cứ thứ âm nhạc nào và là thứ âm nhạc có chất lượng”, nghệ sĩ bass và bộ gõ đảo Síp Gabriel Kaouros bày tỏ.
Theo thăng trầm của lịch sử, âm nhạc của khoảng thời gian đó đã có lúc bị lãng quên, gần như không có cơ hội xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của người Việt. Ban nhạc Saigon Soul Revival gồm 5 thành viên, đến từ nhiều quốc gia (Pháp, đảo Síp, Việt Nam) được công chúng biết đến từ năm 2017. Họ muốn đánh thức những âm thanh đẹp của một thời kỳ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam trên sân khấu, đồng thời lan tỏa thứ âm nhạc từng bị lãng quên để nhắc nhớ mọi người ở các lứa tuổi về di sản nhạc Việt.
Tái sinh nhạc 'xưa'1
Tuy nhiên, con đường họ đi không phải là con đường của sự hoài cổ mà là sự sáng tạo, tạo ra thứ âm nhạc mới, trong đó nhạc “xưa” là chất liệu được hòa trộn cùng những yếu tố âm nhạc hiện đại đương thời. “Nếu chơi nguyên bản như ngày xưa, chúng tôi chưa chắc chơi hay bằng những nghệ sĩ ở thời điểm đó. Bởi vậy, chúng tôi chỉ chơi bằng tinh thần yêu mến những tác phẩm thời kỳ đó theo cách mình cảm thụ được. Hơn nữa, chúng tôi còn chơi những tác phẩm mà nhóm mới sáng tác theo phong cách xưa, chứ không phải là “cover” (chơi lại) những tác phẩm cũ”, ca sĩ Nguyễn Ánh Minh, thành viên ban nhạc, lý giải.

Người trẻ nghe nhạc “cũ”

Phần trình diễn của những cựu thành viên ban nhạc Desire (MC Anh Tuấn, Long Vũ, Tùng “John”…) vừa qua trên sân khấu của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong đêm gặp mặt những người hâm mộ yêu nhạc The Beatles khiến nhiều khán giả đứng lên vì phấn khích, bởi họ như được đưa trở lại với không khí của những đêm biểu diễn âm nhạc The Beatles tại nhiều trường ĐH ở Hà Nội vào thập niên 1980 - 1990.
Tới đây, cựu thành viên của những ban nhạc “nổi như cồn” trong giới sinh viên một thời như Desire, Đại Bàng trắng, Beat Bao Tải… sẽ góp mặt trong đêm nhạc The Beatles Symphony (diễn ra vào tháng 12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) cùng với sự tham gia của nhiều ca sĩ: Tùng Dương, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, nhóm OPlus, Vũ Đình Trọng Thắng… Nhạc sĩ Hồng Kiên, Giám đốc âm nhạc của chương trình, cho rằng âm nhạc đích thực cần được giữ gìn, bảo tồn theo nhiều cách khác nhau. Những ca khúc của The Beatles trong chương trình sẽ được “làm mới” cùng với những bản phối mang hơi hướng âm nhạc bán cổ điển. “Việc đưa nhạc The Beatles lên sân khấu với dàn nhạc giao hưởng và cả ban nhạc điện tử, là một thách thức gian nan đối với bất kỳ nhà sản xuất và phối khí nào”, anh bày tỏ. Tuy vậy, điều đó khiến nhạc sĩ Hồng Kiên chờ đợi sẽ mang lại cảm hứng mới mẻ cho những khán giả yêu nhạc The Beatles ở mọi lứa tuổi.
Điều hy vọng của nhạc sĩ Hồng Kiên không phải là không có cơ sở. Dễ thấy, ngay trong buổi gặp mặt những người hâm mộ yêu nhạc The Beatles, còn có cả những người hâm mộ “nhí”. “Cộng đồng người yêu nhạc The Beatles tại Việt Nam rất rộng, có đủ các lứa tuổi, cho thấy tình yêu với âm nhạc The Beatles được truyền tiếp qua nhiều thế hệ. Chẳng hạn như ban nhạc Desire của chúng tôi đi sau nhiều ban nhạc đàn anh, sau chúng tôi đã có những ban nhạc khác tiếp nối, và bây giờ có những ban nhạc trẻ tiếp tục chơi nhạc The Beatles theo cách của họ”, MC Long Vũ cho hay.
Nhiều nghệ sĩ trẻ đưa những ca khúc của một thời đến với khán giả trẻ, theo phong cách trẻ trung, tươi mới. Còn nhớ, năm ngoái, nhóm OPlus từng thực hiện album Như mưa ngày nào với các ca khúc nhạc xưa, lựa chọn hát theo cách mới từ bản phối đến cách hát. “Có những thứ chúng tôi không còn cảm nhận với những người đi trước nữa, nên hát với tư duy âm nhạc của mình bây giờ”, ca sĩ Quang Minh, thành viên của nhóm, nói và cho biết thêm: “Dù thể loại âm nhạc đó có được sinh ra, phát triển ở giai đoạn nào của lịch sử, tôi nghĩ những con người ở thời hiện tại vẫn có thể cảm nhận, nhất là qua những sáng tạo mới của nghệ sĩ đương thời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.