Áo hàng hiệu trăm triệu cũng bị cắt
Quy định công bố hàm lượng formaldehyt và các amin thơm xuất phát từ năm 2009 khi có thông tin áo ngực nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa chất lạ gây ung thư. Tại thời điểm đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 32 quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hai chất nói trên trong sản phẩm dệt may. Tuy là “tạm thời”, song quy định này được kéo dài đến 6 năm. Năm 2015, Bộ Công thương tiếp tục ban hành Thông tư 37 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Quy định này đã gây bao tốn kém cả thời gian, chi phí của cộng đồng doanh nghiệp (DN) dệt may. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, kiến nghị, đề xuất bãi bỏ và đến năm 2016, Bộ Công thương mới chính thức bãi bỏ Thông tư 37. Đây được coi là đột phá trong cải cách hành chính, giảm kiểm tra chuyên ngành cho DN...
tin liên quan
380 loại thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi danh mục được phép sử dụngBà Nguyễn Thanh Mai, giám đốc kinh doanh nhập khẩu của công ty chuyên nhập khẩu vải ở Q.9, TP.HCM, nhận xét: Thực chất việc xóa bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm trong hàng dệt may vẫn chưa được Bộ Công thương bỏ mà mới chỉ chuyển từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm. Bản chất của việc DN phải cắt vải, cắt chiếc áo hiệu trị giá hàng trăm triệu đồng để mang đến Trung tâm kiểm định 3 kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm trong áo quần trước khi đưa ra thị trường kinh doanh vẫn không có gì thay đổi. Thay vì trước đây quy trình này được thực hiện khi nhập hàng, nay cho thông quan nhưng phải làm trước khi đưa hàng ra bán ngoài thị trường. Thậm chí một số chi cục hải quan chưa nắm rõ quy định mới này còn buộc DN nhập khẩu phải trình kết quả kiểm tra hai chất nói trên mới cho thông quan.
Trước đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty Liên Thái Bình Dương, cũng phản ánh chiếc áo nhập của công ty trị giá 5.000 USD nhưng phải chấp nhận để cơ quan quản lý chuyên ngành cắt mang đi để kiểm nghiệm. Ông cho rằng không có nước nào có kiểu quản lý bằng cách cắt chiếc áo hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu đồng chỉ để lấy mẩu vải đi kiểm tra như vậy.
Không đánh đồng hàng hiệu và hàng dỏm
Một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM thừa nhận, việc buộc cắt mẫu áo quần hàng hiệu để làm kiểm định trước khi cho thông quan tại cảng trước đây “rất xót” cho DN. Nay quy định đó được tháo bỏ tại cảng, song với thị trường nội địa vẫn còn “cắt áo quần hàng hiệu để kiểm định” thì bản chất quy định “làm khó, gây thiệt hại” cho DN vẫn còn. “Đó là chưa nói chúng ta đang quản lý việc công bố hàm lượng hai chất gây hại này đánh đồng hàng hiệu với hàng đểu là chưa đúng bản chất”, vị này chia sẻ. Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An cho rằng, việc đưa ra một quy chuẩn cho hàng hóa tiêu thụ trong nước là hình thức bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ hàng sản xuất trong nước, là điều đáng ủng hộ. Tuy nhiên, cách Bộ Công thương thực hiện còn máy móc và chỉ “mới đặt vị trí quản lý hàng hóa chứ chưa đặt vị trí quản lý DN”. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, cơ quan quản lý nên nghĩ cách quản lý phân chia loại hình DN, không thể đánh đồng quản lý DN bán hàng hiệu với hàng đểu đều như nhau.
“Hiện Bộ Tài chính đã lập danh sách ưu tiên đối với DN thực hiện trách nhiệm về thuế tốt, nhập khẩu hàng rõ ràng minh bạch, không vi phạm, vốn lớn... sẽ được vào luồng ưu tiên. Nên chăng Bộ Công thương cũng có danh sách các DN kinh doanh hàng dệt may như vậy. DN nào làm tốt, miễn làm thủ tục trình hợp quy để tránh hàng hiệu vẫn bị cắt góc đi kiểm định như hiện nay”, ông Trường An nêu đề xuất.
Bình luận (0)