Ông Song Honggyu (Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) đã chia sẻ nhiều câu chuyện từ Hàn Quốc trong tọa đàm “Văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa”. Tọa đàm này cùng với tọa đàm “Văn hóa dân gian trên nền tảng số” vừa diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế thời trang tại Hà Nội ngày 10.11.
Triển lãm Tuồng của nghệ sĩ 9X Nguyễn Ngọc Vũ năm 2020 pha trộn giữa truyền thống và hiện đại |
NSCC |
Sáng tác văn hóa dân gian đương đại
Trong câu chuyện của ông Song Honggyu, có thể thấy các nhóm nhạc nhảy múa và ghi hình trong các di tích của Hàn Quốc. Cũng có thể thấy những người trẻ cùng nhau mặc trang phục truyền thống Hanbook và chụp ảnh trong các di tích này. “Đây là những câu chuyện kết nối văn hóa dân gian thành công ở Hàn Quốc”, ông Song Honggyu cho biết.
Qua video mà ông Song Honggyu trình chiếu, người xem có thể thấy những ngọn tháp được tái hiện trong bảo tàng. Nhưng nó không chỉ đứng đó, mà vào thứ tư, thứ bảy hằng tuần lại có trải nghiệm đặc biệt hơn. Khi đó, vào buổi tối, ánh sáng được chiếu lên để kể bằng hình ảnh những câu chuyện xưa. Các hình ảnh từ những bức tranh xưa cũng được làm cho chuyển động với rất nhiều sắc màu. Với nhiều bức tranh được chiếu trên màn hình, người xem có thể tương tác bằng cách vuốt tay như tương tác với điện thoại di động siêu lớn. TS Lư Thị Thanh Lê (giảng viên Trường ĐH Việt - Nhật) coi đây là thành công của những sáng tác văn hóa dân gian đương đại.
Cũng theo TS Lê, những sáng tác văn hóa dân gian đương đại giờ đây xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Cuốn sách Lĩnh Nam chích quái với minh họa của Tạ Huy Long, cuốn Phê như con tê tê của tác giả Thành Phong được bà dẫn ra như những thành công của văn hóa dân gian đương đại Việt Nam, thể hiện sự tái sinh truyền thống rất đa dạng. “Đó là những xuất bản phẩm bán chạy. Bên cạnh đó còn có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác từ các nghệ nhân, các nhà thiết kế, những người kinh doanh du lịch… cũng bán chạy, thậm chí còn được xuất khẩu. Thời trang cũng huy động những chất liệu truyền thống cho các bộ sưu tập mới”, bà Lê cho biết.
Hình ảnh thành công từ Hàn Quốc về trải nghiệm văn hóa dân gian cùng công nghệ |
chụp màn hình |
Người trẻ và thách thức
Những sáng tạo văn hóa dân gian đương đại hiện nay tại Việt Nam, điều thú vị là đang được người trẻ thực hành. Họ cũng rất có ý thức trong việc lan tỏa văn hóa dân gian đương đại cho những người trẻ khác bằng công nghệ. Đinh Việt Phương dùng công nghệ 3D để quét, tạo trang web tương tác, in ra các bảo vật quốc gia. Nguyễn Quốc Hoàng Anh thực hiện dự án bảo tồn nghệ thuật dân tộc Lên ngàn. Yến Linh và nhóm Trường ca kịch viện đưa các yếu tố nghệ thuật diễn xướng vào thiết kế các bộ bài và trò chơi giải trí… “Bộ bài là một trò chơi, một phương thức giải trí hấp dẫn. Điều này kích thích tìm hiểu về nhân vật trong bộ bài. Sự kết hợp Đông - Tây tạo ra mới mẻ cho nhạc dân tộc. Sắp tới còn dự án với hình ảnh cô tiên trong rối nước”, Yến Linh chia sẻ.
Kết nối với công chúng, tạo công chúng là một thách thức cần vượt qua. “Một phần vì trước đây tôi có thời gian hoạt động trong quảng cáo nên mình dùng quan hệ để quảng bá cho dự án văn hóa dân gian. Sau buổi diễn tuồng Sơn Hậu ở khu tập thể Văn Chương, tôi muốn làm một buổi diễn nữa ở Lotte”, Nguyễn Quốc Hoàng Anh nói.
Khán giả trẻ tham gia trò chơi dân gian tại sự kiện Diễn xướng Nam bộ năm 2018 ở TP.HCM |
Tố Tâm |
Một thách thức nữa với sáng tác văn hóa dân gian đương đại là bản quyền. Làm thế nào để không bị sao chép và làm thế nào để không nhận những gì không phải của mình thành của mình. Đinh Việt Phương chia sẻ câu chuyện thương hiệu Ỷ Vân Hiên định đăng ký sở hữu trí tuệ cho kiểu mẫu gối xếp nhưng không được. Còn bà Emma Duester (ĐH RMIT) cho biết khi hỗ trợ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện dự án số hóa các hiện vật liên quan đến trầu cau, các hình ảnh đều được đính kèm logo của bảo tàng này. “Đây là cách khẳng định sở hữu”, bà Emma nói.
TS Lư Thị Thanh Lê cũng nêu những thách thức đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất dịch vụ, vấn đề môi trường và phát triển bền vững, sự cân bằng giữa giá trị kinh tế và văn hóa. “Giấy dó truyền thống vẫn sản xuất theo công đoạn như cũ. Nhưng giờ đây, người sản xuất sẽ phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nước thải… rất cao, khắt khe hơn. Hoặc khi ta khai thác văn hóa của tộc người trong các homestay thì bên cạnh việc khai thác văn hóa, chúng ta tôn vinh văn hóa đó như thế nào?”, bà Lê đặt câu hỏi.
GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam, cho biết khi đi ra nước ngoài, nhiều người vẫn rất thích những món quà kỷ niệm nhỏ xinh mang văn hóa của họ.
“Xét cho cùng, những người biết khai thác giá trị văn hóa dân gian thì đều thành công. Trong âm nhạc có thể thấy rất rõ như sáng tác của các nhạc sĩ An Thuyên, Phó Đức Phương đưa giá trị văn hóa dân gian vào văn hóa hiện đại và thành công. Trong nhiều sản phẩm Việt Nam hiện nay, tôi thấy nó đang gần với việc khai thác giá trị văn hóa dân gian. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức về chính sách. Chính sách nghệ nhân dân gian chẳng hạn, hiện nay chúng tôi có hàng trăm nghệ nhân. Hầu hết họ khi được Hội Văn hóa dân gian công nhận thì gần như được công nhận ngay ở các hội đồng nhà nước, nhưng chế độ với các nghệ nhân thì vẫn là vấn đề. Ngoài tỉnh Bắc Ninh có đãi ngộ của tỉnh cho nghệ nhân, còn các tỉnh khác hầu như chưa có”, GS-TS Lý nói.
Bình luận (0)