Tài trợ du học - nên không?

20/12/2019 04:52 GMT+7

Dư luận ở Quảng Ngãi đang quan tâm quanh câu chuyện hỗ trợ cho học sinh đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách nhưng người được đi học không giữ cam kết.

Việc tài trợ cho học sinh hoặc sinh viên đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách không phải là mới. Quảng Ngãi cũng không phải là tỉnh duy nhất làm việc này.
TP.HCM và Đà Nẵng cùng một số địa phương khác đã có hẳn một chương trình tài trợ cho học sinh hoặc sinh viên tốt nghiệp đại học được đi học nước ngoài từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, hầu hết các dự án tài trợ ấy đều không mang lại hiệu quả dù ai được tài trợ đi học cũng tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ, tiến sĩ. Câu hỏi cần được trả lời là vì sao không mang lại hiệu quả?
Trước khi mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến không hiệu quả, cũng cần phải nêu ra đây cách thức chọn người của ban tuyển sinh. Lẽ ra ban tuyển sinh nên thông báo rộng rãi cho người dân biết về chương trình cho học sinh hoặc sinh viên đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách với những tiêu chí cụ thể, sau đó thành lập một ban tuyển chọn thật sự công bằng và minh bạch hóa mọi thông tin liên quan.
Thế nhưng, những thông tin đó đều bị ban tuyển sinh ém nhẹm, chỉ phổ biến trong lãnh đạo nên không ngạc nhiên khi vỡ lở ra thì thấy đa phần đều là con các vị lãnh đạo được đi học bằng tiền ngân sách. Tước đi cơ hội của người khác bằng sự “ém nhẹm” như thế, đó cũng là một dạng của “lợi ích nhóm” vậy.
Một trong những điều khoản cam kết để trói buộc người đi học là sau khi tốt nghiệp, phải về lại tỉnh công tác, nếu không giữ cam kết ấy sẽ phải đền tiền. Người đứng ra cam kết không chỉ là học sinh sinh viên được cho đi học mà còn bố mẹ phải bảo lãnh nữa.
Thế nhưng, khi tốt nghiệp, có người về lại địa phương như đã cam kết nhưng tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ấy không biết sử dụng vào đâu cho hợp lý. Ở TP.HCM đã xảy ra tình trạng thạc sĩ du học về phải chạy xe Grab vì những vị trí họ được phân công không cần phải có bằng thạc sĩ học ở nước ngoài!
Chắc chắn ở Quảng Ngãi cũng sẽ gặp tình trạng tương tự nếu số em được cho đi học ấy về lại tỉnh nhà công tác. Chỉ lo đầu vào mà không tính đầu ra thì rõ ràng, chuyện bội tín với những gì đã cam kết là lẽ tất yếu thôi. Có phụ huynh khi bị đòi nợ thì trả lời rằng “tôi dặn cháu rồi, khi nào làm có tiền thì phải trả lại”.
Trả lời như vậy là đồng nghĩa với phủi trách nhiệm vậy. Bây giờ, những người đi học buộc phải trả lại tiền nhưng nhà nước đang nắm phần lưỡi dao mất rồi. Dắt nhau ra tòa như Đà Nẵng là điều khó tránh khỏi nếu như những cam kết không được thực hiện đầy đủ.
Đã đến lúc nên dẹp bỏ chuyện tài trợ du học bằng tiền ngân sách này. Còn nếu có tiền thì nên tài trợ như một loại học bổng mà không có một ràng buộc gì, miễn sao những người được chọn ấy phải là những người xứng đáng nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.