Y đức ở đâu?

Thanh Tùng
Thanh Tùng
19/12/2019 04:48 GMT+7

Vụ Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương “Hô biến” nhân viên tạp vụ thành... bác sĩ khám cho công nhân ( Thanh Niên vừa phản ánh) là vụ việc nghiêm trọng, cơ quan quản lý cần nghiêm túc xử lý.

Nghiêm trọng vì đây là việc làm thất đức, rất coi thường sức khỏe công nhân, người lao động; chưa nói là việc làm gian dối vì đây là hợp đồng dịch vụ.
Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương (trực thuộc Sở Y tế Bình Dương), được giao nhiệm vụ khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân và làm dịch vụ cho các doanh nghiệp.
Điều khiến người ta bất ngờ và bức xúc hơn khi vụ việc bị phản ánh, trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương, lại cho rằng việc sử dụng nhân viên tạp vụ (bà Nguyễn Thị Kim Ngân) làm công tác khám bệnh “chỉ là đột xuất, không thường xuyên”. Là lãnh đạo Sở Y tế mà nhìn nhận vấn đề như ông Hà là hết sức coi thường sức khỏe công nhân, chưa nói nguy hiểm cho sức khỏe người lao động, bởi bệnh tật nếu có, có thể không được phát hiện để chữa trị kịp thời.
Một người không có chuyên môn mà bố trí tham gia vào quy trình khám, kiểm tra sức khỏe cho công nhân là không thể chấp nhận. Việc lấy dấu hiệu sinh tồn (bắt mạch, đo huyết áp...) là khâu ban đầu quan trọng để cùng bác sĩ hướng tới những nghi ngờ, hoặc phát hiện công nhân có bệnh gì.
Chưa hết, Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương hợp đồng với 3 bác sĩ bên ngoài để khám sức khỏe công nhân. Nhưng PV Thanh Niên nhận được phản ánh, việc này là nhằm hợp thức hóa hồ sơ, thực chất có khi các bác sĩ này không tham gia các đoàn của trung tâm khám sức khỏe cho công nhân. Vậy, câu hỏi đặt ra là, lâu nay ai đã khám, chẩn đoán, ghi hồ sơ sức khỏe cho hàng ngàn, hàng triệu công nhân; hay trung tâm lại lấy người không đủ chuyên môn làm việc này, còn các bác sĩ thuê đó chỉ đứng tên trên giấy tờ? Việc này cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ để chấn chỉnh. Bởi hằng ngày trung tâm khám sức khỏe cho 2 - 3 doanh nghiệp, số người được khám là không nhỏ.
Tại Bình Dương hiện có 157.000 doanh nghiệp, với khoảng 1,8 triệu công nhân. Phần đông công nhân làm việc trong môi trường nhiều áp lực, điều kiện ăn ở của công nhân (phần đông là nhập cư) chưa được tốt. Việc công nhân mắc bệnh nghề nghiệp gặp rất nhiều, nhưng khám sức khỏe kiểu Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương là hết sức nguy hiểm, không thể để tồn tại.
Những năm gần đây, khám sức khỏe cho người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp là dịch vụ “béo bở”, được nhiều cá nhân, tổ chức y tế tham gia. Nếu không chấn chỉnh, xử lý nghiêm vụ việc tồi tệ như vụ ở Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương sẽ dẫn đến hệ lụy xấu về sức khỏe cho lượng lớn người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.