Nhưng đằng sau những con số kỷ lục này, còn rất nhiều câu chuyện đáng nói.
Năm 2012, sau 20 năm nhập siêu, cán cân thương mại Việt Nam đã đảo chiều, xuất siêu gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, sự đảo chiều thời điểm đó được đánh giá là lo nhiều hơn mừng vì nó phản ánh sự chững lại của sản xuất trong nước dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008. Doanh nghiệp giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, giảm đầu tư máy móc... dẫn đến xuất siêu.
Năm 2013, chúng ta vẫn tiếp tục xuất siêu nhưng con số chỉ còn 9 triệu USD, kinh tế đã gượng dậy nhưng vẫn còn rất chậm chạp. Đến năm 2016, Việt Nam xuất siêu đạt 2,68 tỉ USD, vẫn có những nghi ngại. Nhưng từ đó đến nay, đã có 4 năm xuất siêu liên tiếp với con số ngày càng tăng. Năm 2017 đạt 2,7 tỉ USD, năm 2018 là 7,2 tỉ USD và năm nay đến hết tháng 11 chúng ta cán mốc 11 tỉ USD xuất siêu, con số kỷ lục từ xưa đến nay.
Giờ thì hết những nghi ngại, kỷ lục xuất siêu là kết quả của sự nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, là thành quả của các chính sách thúc đẩy kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, mở cửa thị trường (thông qua các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực) của Chính phủ.
Tương tự với con số kỷ lục xuất nhập khẩu 500 tỉ USD. Trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thủy sản trong nước vẫn đang "chịu án" thẻ vàng từ EU… thì con số này càng thêm giá trị, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế vượt 7%.
Tất nhiên, vẫn còn không ít vấn đề cần cải thiện. Vẫn phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam lẩn tránh xuất xứ để xuất qua Mỹ nhằm trốn thuế khiến doanh nghiệp trong nước có thể bị vạ lây; nỗ lực gỡ thẻ vàng để tận dụng tối đa Hiệp định Việt Nam - EU mới có hiệu lực; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại cũng như củng cố nội lực để cạnh tranh với hàng ngoại tại sân nhà.
Quan trọng hơn, đằng sau những con số kỷ lục này phải tiếp tục nâng cao sự đóng góp của khối doanh nghiệp trong nước, thay vì dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chuyển từ lượng sang chất, tăng các mặt hàng chế biến để thu về giá trị gia tăng cao hơn.
Cán cân thương mại Việt Nam đã đảo chiều liên tục 4 năm, đó là một thành tích không thể phủ nhận. Nhưng cũng đã đến lúc tính đến việc "đảo chiều" nội tại, doanh nghiệp trong nước sẽ làm chủ bảng thành tích đó. Như vậy, các kỷ lục mới trọn niềm vui.
Bình luận (0)