Tài tử làng Nho: Vạn dặm sứ trình

06/01/2023 07:15 GMT+7

Phong tòng Trà Kiệu sơn đầu khởi Nguyệt hướng Thiên Tân hải thượng sinh Như thử lương tiêu nan tái đắc Phi phàm vạn lý nhất mao khinh (Đặng Huy Trứ - Khởi dương)

Gió từ Trà Kiệu đầu non dậy

Trăng hướng sao Tân đã mọc lên

Cảnh đẹp đêm nay khôn thấy lại

Buồm bay muôn dặm nhẹ như tên

(Ra biển - Bản dịch của Bồ Giang)

Trong một cước chú ở bài thơ Hữu đông hành chi mệnh (Được lệnh đi Quảng Đông), Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) từng viết về việc vua Tự Đức cử ông đi công vụ sang Trung Quốc: “Tính tôi khác người, thích bay nhảy, Hoàng thượng cũng biết. Hiểu con không ai bằng cha, hiểu bầy tôi không ai bằng vua. Cố nhiên như vậy”. Chắc chắn còn có những lý do khác, liên quan đến quốc kế, dân sinh mà ông không tiện nói ra. Song, chính những lời bộc bạch ấy mặc nhiên cho thấy Đặng Huy Trứ là một “tay chơi” có hạng so với đồng liêu và đồng thời.

Chân dung Đặng Huy Trứ do họa sĩ Lý Thụy Nham người Quảng Đông (Trung Quốc) vẽ năm 1865

tư liệu gia tộc

Làm quan dưới triều Tự Đức, từ 1856 đến 1864, trực tiếp chứng kiến và tham gia vào nhiều biến động của lịch sử, liên quan đến vận mệnh dân tộc, Đặng Huy Trứ là người nhiều lần được triều thần tiến cử và được nhà vua tin dùng giao nhiệm vụ sứ thần, dẫn đầu các phái bộ ngoại giao đến các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La (Thái Lan) và 2 lần cầm đầu đoàn công cán ra nước ngoài, thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt do nhà vua giao phó.

Thời bấy giờ, đường sá và phương tiện giao thông còn rất hạn chế, các quy ước về ngoại giao chưa chặt chẽ và bài bản như hiện nay. Các thỏa ước và thông lệ quốc tế cũng như điều kiện để bảo vệ an ninh cho các sứ đoàn cũng trong tình trạng đó. Vì vậy, hành trình của những người đi sứ rất gian nan, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Đường bộ, chủ yếu dùng xe ngựa, võng cáng; đường thủy chủ yếu dùng thuyền buồm. Mãi về sau, khi tiếp xúc với phương Tây trở nên thường xuyên hơn, các phái bộ ngoại giao mới sử dụng phương tiện vận chuyển đường thủy hiện đại (của người Tây dương), như trường hợp phái bộ do Phan Thanh Giản dẫn đầu đi Pháp năm 1863. Các đoàn đi sứ sang Trung Hoa, Triều Tiên, Xiêm La hầu hết đi bằng đường bộ, qua nhiều vùng sơn lam chướng khí, không ít khi gặp trộm cướp hoặc các thế lực cát cứ tấn công, quan lại địa phương quấy nhiễu, dịch bệnh hoành hành. Các sứ đoàn chính thức đã vậy, các đoàn công cán ra nước ngoài lại càng nhiều lần nguy hiểm và khó khăn hơn. Ngay Đặng Huy Trứ, trong lần công cán Quảng Châu lần thứ 2 (từ tháng 6.1867 đến tháng 12.1868), ông bị ốm nặng, phải lưu lại xứ người hơn 1 năm trời.

Bởi vậy, đi sứ hoặc đi công cán, ngoài tài năng kiệt xuất về ngoại giao, những người đi sứ luôn được chọn lựa trong số những người giỏi ứng biến, quảng giao, giàu kinh nghiệm ứng phó với những bất trắc gặp phải trong suốt cuộc hành trình.

Tiềm sứ trang trí đồ án Đông mạch tụ cô tùng do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông

Trần Đức Anh Sơn

Gian nan là thế, nhưng con đường đi sứ lại lắm điều kỳ thú, kích thích óc phiêu lưu, lay động tâm hồn giàu xúc cảm. Những cảnh vật thiên nhiên ngoạn mục không hiếm gặp trên đường dài, những xứ sở khác lạ với bao nhiêu là phong tục tập quán chưa từng biết, bao nhiêu thắng cảnh làm say đắm lòng người, những di tích gắn với nhiều biến cố lịch sử trọng đại cũng như những con người in sâu dấu ấn trên từng chặng đường nhân loại đi qua.

Trong nền thơ ca Việt Nam và một số quốc gia như Triều Tiên, Nhật Bản hình thành một mảng thơ đi sứ với nhiều tập thơ nổi tiếng của các sứ thần đồng thời cũng là những nhà thơ lớn của đất nước. Ở Việt Nam, có thể kể đến Quế Đường thi vịnh quyển của Lê Quý Đôn, Hoa trình khiển hứng của Hồ Sĩ Đống, Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định, Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tịnh, Cấn Trai quan quang tập của Trịnh Hoài Đức, Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du...

Riêng Đặng Huy Trứ, trong những chuyến đi sứ hoặc công vụ sang Trung Quốc, ông đã dành thời gian để sáng tác, biên tập và khắc in nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có nhiều bài thơ ông viết trên những chặng đường dài gian nan, khổ ải, gặp gỡ lắm cảnh, nhiều người. Ông đã kết giao, xướng họa thơ văn, với các văn nhân, danh sĩ Trung Quốc, được nhiều người mến mộ tài năng và phẩm hạnh. Tô Vĩ Đường, khi đề Tựa cho tập Đặng Hoàng Trung thi sao của Đặng Huy Trứ, đã viết: “Cố trữ trung mẫn tắc đẳng ư Đỗ Công Bộ, Tả tính linh tắc tỉ ư Bạch Hương Sơn…” (…Giải tỏ lòng trung mẫn hẳn ngang với Đỗ Phủ, miêu tả bách tính sinh linh hẳn sánh được với Bạch Cư Dị…). Tô Lãng, khi tiếp xúc bản thảo tập thơ này đã không ngớt lời khen ngợi, sau đó nhận viết lời đề tựa, đồng thời cùng với Lương Huệ Tồn tự bỏ tiền khắc in tập Đặng Hoàng Trung thi sao và tặng lại cho Đặng Huy Trứ. La Nghiêu Cù sau khi đọc xong Đặng Hoàng Trung thi sao, cho rằng Đặng Huy Trứ xứng danh là một thi hào, nên đã làm 2 bài thơ để ca ngợi. Sau này, khi Đặng Huy Trứ trở về nước, La Nghiêu Cù còn làm thơ tiễn biệt với lời lẽ rất cảm động

(còn tiếp)

Tài tử làng Nho

Tài tử lụy tình

Chí lớn, hồ rượu và con mắt mỹ nhân

Từ quan ra lính - từ lính thành quan

Mang ả đào lên cửa Phật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.