Vòng đời, tang ca người Mường
Nhiều tham luận tại Hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới (tổ chức ngày 5.1 tại Hòa Bình) tôn vinh giá trị của di sản này. Hội thảo cũng nhằm chuẩn bị cho hồ sơ quốc gia Mo Mường gửi UNESCO, đồng thời quảng bá di sản này tới bạn bè quốc tế.
Thầy Mo Bùi Văn Minh trong một nghi lễ làm mát nhà của người Mường |
Trọng Đạt - TTXVN |
TS Đỗ Quang Trọng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, cho rằng nói đến Mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian có tính thiêng, được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu cho mọi điều tốt lành của người Mường. Mo gắn liền với vòng đời của con người. Khi chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Tuổi trưởng thành, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Ông Mo còn đóng vai trò quan trọng trong đám cưới, trong lễ cúng gia tiên, lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an. Khi “nhắm mắt xuôi tay” về với Mường Trời, ông Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.
Cũng theo ông Trọng, Mo Mường chủ yếu là một hệ thống các tác phẩm tang ca tiễn đưa người chết. Mo Mường cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường, để đoàn kết người sống trước sự ra đi của một thành viên trong cộng đồng. “Sự tập hợp của cộng đồng trong giờ phút thiêng liêng này như một sợi dây tình cảm gắn bó chặt chẽ họ với nhau. Bằng những đêm Mo, người ta nhắc lại lịch sử nguồn gốc của người Mường, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm, những tri thức của cuộc sống, những phong tục tập quán”, TS Trọng phân tích.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc (Bộ VH-TT-DL), đánh giá: “Tiếng Mo trong Mo tang lễ Mường Hòa Bình là hình thức âm nhạc độc đáo, đã cung cấp cho nghi lễ Mo một sáng tạo âm nhạc đúng, đủ để chuyển tải tới những người dự lễ tang một cách đầy đủ nhất toàn bộ các câu chuyện kể, những lời thỉnh nguyện trong bộ sử thi Mo Mường Việt Nam”.
Th.S Bùi Kim Phúc, Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình, đánh giá Mo sử thi người Mường giúp hình dung được một không gian thần thoại kể về sự hình thành trời, đất, con người và vạn vật. Mo Mường nói về lịch sử, chính trị, xã hội, đây là lịch sử Mường, đồng thời cũng là lịch sử loài người từ buổi sơ khai cho đến thời kỳ có giai cấp. Ví dụ, việc tìm cây chu đồng, xây dinh thự cho vua Dịt Dàng… phản ánh nhận thức đã đạt đến sự đoàn kết để giải quyết những vấn đề lớn của xã hội cũng như nghệ thuật lãnh đạo.
Cần những cuốn sách quảng bá Mo Mường |
Tư liệu |
Xoa dịu và chữa lành
PGS-TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho biết những tang ca của Mo Mường và Kruôz cê (tang ca) của người Mông cộng với lễ thức đã dạy cho con người hiểu sâu hơn giá trị của sự sống, giá trị của cái chết.
Theo đó, chết không phải là hết, mà chỉ là điểm giao thời của một sự chuyển hóa con người từ thế giới này sang thế giới khác. Mo Mường vì thế cũng giúp người sống nhanh chóng lấy lại thăng bằng tâm lý, yên tâm chấp nhận tình trạng cuộc sống mới sau sự kiện cái chết. Họ cũng thêm thấm thía tình người, thấm thía ý nghĩa của mối liên kết cộng đồng (gắn kết gia đình, họ hàng, làng xóm) và tôn trọng hơn các giá trị tốt đẹp của sự sống.
GS-TS Wolfgang Mastnak, Trường ĐH Âm nhạc và Sân khấu Munich (Đức), cho rằng khác với nhiều huyền thoại sáng tạo khác vẫn còn chung chung, những câu chuyện kể của người Mường mô tả đời sống theo trình tự rất hấp dẫn. Từng bước sử thi kể của người Mường tiếp cận với cuộc sống đời thường, từ trồng dâu, nuôi tằm đến việc sinh ra trâu, gà mái, cũng như sự ra đời của cây lúa và sự ra đời của rượu cần (loại rượu được cộng đồng uống cùng nhau). Sự thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Mường nằm ở đó.
GS-TS Janet Alison Hoskins, Khoa Nhân học, Trường ĐH Nam California (Mỹ), đánh giá những hình ảnh trong lễ tang Mo Mường cho thấy mâm cỗ cúng do người nhà của người đã khuất bày biện rất ấn tượng. Các món như xôi, rượu gạo, các món rau, gia vị, thịt được bày ra từng đĩa giống như cao lương mỹ vị. Có một mâm riêng lá chuối đựng lễ vật cho người “âm” (người đã khuất) và một mâm khác cho người “dương” (con cháu còn sống).
Đường đến hồ sơ UNESCO Th.S Vũ Thanh Lịch, Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình, cho biết xưa kia nghi lễ Mo trong tang ma của người Mường thường kéo dài từ 1 - 3 đêm, đám ma nhà Lang có thể kéo dài hơn 6 đêm. Với thời gian như vậy, các bài/cuông Mo được trình bày đầy đủ, bài bản. Đặc biệt, cuông Mo Đẻ đất đẻ nước có thể trình bày cả một đêm, thậm chí là nhiều đêm.
“Hiện nay, thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 9.2.2018 về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang nên đám ma kéo dài không quá 48 giờ. Do vậy, việc Mo trong tang ma thường chỉ diễn ra trong 1 ngày 1 đêm, nhiều trường hợp chỉ gói gọn trong 1 đêm Mo. Vì thế rất nhiều cuông/bài Mo đã phải lược bỏ bớt nội dung hoặc một số cuông Mo bị bỏ hoàn toàn”, Th.S Lịch cho biết.
Th.S Bùi Kim Phúc khuyến nghị vẫn tiếp tục thực hành Mo Mường để phát huy tốt hơn nữa các giá trị của tang lễ, phát triển nó trong môi trường xã hội ngày nay. “Trong trường hợp gia đình có điều kiện về thời gian và điều kiện kinh tế, có thể thực hiện một số bài Mo kể chuyện trong những nghi lễ giỗ 10 ngày, một tháng, 49 ngày, 100 ngày, 1 năm…”, Th.S Phúc nêu ý kiến.
GS-TS Kim Hyong Keun, Viện Nghiên cứu thông tin di sản phi vật thể, Trường ĐH Jeonbuk (Hàn Quốc), cho rằng một trong những nhiệm vụ cần làm để Mo Mường được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO là tăng khả năng hiển thị của di sản này. Nói cách khác, cần tăng mức độ nổi tiếng của nó với cả người dân bản địa và người nước ngoài. Để làm được như vậy, Mo Mường cần được dịch sang tiếng Anh. Tại Hàn Quốc, trước đây, những cuốn sách giới thiệu thường được xuất bản sau khi di sản đã được ghi danh, nhưng cuốn Điệu múa mặt nạ Hàn Quốc đã được xuất bản 3 năm trước khi nó được UNESCO ghi danh. Điều này nhằm tăng khả năng quảng bá về loại hình di sản này nhiều nhất có thể trước khi đăng ký hồ sơ.
Bình luận (0)