"Xin đểu" giữa đường
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hoàn Khánh Minh, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đi làm thêm ở một trung tâm tiệc cưới tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Hôm nào không có đám cưới thì Minh làm ở quán nhậu. Minh trọ ở Q.Thủ Đức, tuy gần trường nhưng khá xa chỗ làm nên thường khoảng 11 giờ mỗi đêm, Minh mới xong việc và chạy xe về nhà trọ.
"Có lần về gần đến nhà trọ, em bị 2 thanh niên chặn đường xin tiền. Vì sợ nếu không cho sẽ bị chúng đánh nên em ngoan ngoãn đưa số tiền làm thêm vừa lãnh được cho chúng”, Minh kể lại.
Cũng là một người thường xuyên làm thêm về trễ, Nguyễn Văn Tình, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sài Gòn, cho biết đi khuya ở Sài Gòn sợ nhất bị cướp hoặc “xin đểu”. Tình cho hay: “Em đã bị xin tiền 2 lần. Bình thường em và thằng bạn chung phòng hay đi với nhau, nhưng bữa đó bạn về quê nên em đi làm một mình. Về đến đoạn đường Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) lúc đó tầm hơn 12 giờ đêm, bất ngờ có một chiếc xe máy chở 2 thanh niên chạy sát bên. Một tên nói 'có tiền đưa tao vài trăm tiêu', em tưởng ai nói đùa vì chưa từng gặp bao giờ. Ai dè chúng bắt em dừng xe, lấy sạch tiền trong ví của em rồi phóng mất”.
Lần thứ 2 Minh còn bị mấy tên cướp dùng kim tiêm để ép đưa tiền. Cũng may chúng chỉ dọa, Minh đưa tiền xong thì chúng đi luôn. Dù 2 lần rơi vào tình huống nguy hiểm nhưng Minh cho biết mình vẫn phải đi làm thêm để phụ giúp ba mẹ, không thể khác được. “Em rút kinh nghiệm chọn đường đông hơn để đi. Đoạn nào vắng thì chạy nhanh hơn", Tính chia sẻ.
Bị đánh trong quán nhậu
Trong khi đó, Lương Tấn Tài, sinh viên năm 3 Trường ĐH Tài chính - Marketing lại suýt bị “đổ máu” trong quán nhậu. Tài làm phục vụ tại một quán ăn trên đường Hoàng Sa. Ở đây, khách nam nhậu rất nhiều và thường say xỉn. Tài kể: “Lần đó, một vị khách xỉn mà cứ đòi bạn nữ phục vụ ngồi uống bia cùng. Em thấy tội bạn nữ nên ra nói là 'anh thông cảm bạn ấy không biết uống bia, để em uống thay', liền bị anh đó cầm chai bia đập lên đầu. May là em né được. Anh ta đứng dậy đấm em một cái rồi văng tục. Quản lý quán và mọi người trong bàn nhậu can ngăn anh ta mới thôi”.
Sau lần đó, Tài không làm ở quán nhậu nữa mà quyết định xin phục vụ ở quán cà phê. “Môi trường này nhẹ nhàng, lịch sự, an toàn hơn nhiều dù thu nhập thấp hơn”, Tài chia sẻ.
Sau khi đọc tin tức về vụ án sinh viên chạy xe ôm công nghệ bị giết rồi cướp xe vừa xảy ra mới đây, Ngô Tuấn Cường, sinh viên năm 4 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (cũng làm thêm bằng cách chạy xe ôm công nghệ) thừa nhận: “Đúng là có nhiều tình huống nguy hiểm khi chạy xe ôm. Em có nguyên tắc là chỉ chạy đến 10 giờ tối và chỉ nhận khách qua app chứ không bắt khách bên ngoài. Có nhiều vụ tài xế xe ôm bị cướp thậm chí giết nên em cũng rất cảnh giác. Khi chở khách là nam thì luôn đi đường lớn có nhiều người qua lại, và chỉ chạy đúng chặng đường khách đã book, không đi chặng phát sinh”.
Là một sinh viên nữ cũng thường xuyên đi làm thêm về trễ, Nguyễn Phương Linh (sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu như về quá khuya thì bạn gửi xe lại ở chỗ làm, bắt xe ôm công nghệ về nhà, không tốn quá nhiều tiền mà lại an toàn. Còn nếu được thì nhờ bạn nam, người thân qua đưa về. Là nữ không nên đi một mình sau 11, 12 giờ đêm”.
Bình luận (0)