Chiều 22.9, Công ty điện lực (PC) Thừa Thiên-Huế cho biết Tổng công ty điện lực miền Trung đã giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của loại cột ly tâm dự ứng lực trong điều kiện cụ thể như bão số 5 vừa qua; khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có chuyên môn, sẽ tạm dừng sử dụng loại cột này.
Sau bão số 5 vừa qua, dư luận quan ngại trước tình trạng cột điện tại một số tỉnh, thành miền Trung bị gãy hàng loạt; riêng địa bàn Thừa Thiên-Huế có 272 cột điện bị gãy, trong đó cột bê tông ly tâm dự ứng lực có 30 cột (chiếm tỷ lệ 11%, gồm 7 cột trung thế, 23 cột hạ thế). Theo PC Thừa Thiên-Huế, công trình điện chịu được gió trên cấp 12, thiết kế sử dụng cột ly tâm theo TCVN 5847:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ KH-CN công bố, đã thử nghiệm “chịu lực” và “phá hủy” trước khi dán tem chứng nhận chất lượng xuất xưởng. Vì vậy, bão số 5 có cường độ cấp 8 - 10 nhưng lại gây gãy đổ rất nhiều cột điện nên cần thiết tạm dừng sử dụng để đánh giá.
Đối với cột điện thông thường, khi lực tác dụng vào thì tác dụng bê tông trước, sau đó mới tác dụng vào thép. Còn với cột điện dự ứng lực, khi lực tác dụng vào cả bê tông và thép đều đồng thời chịu lực; thép được gia lực trước, được kéo giãn tối đa ở cường độ cao khi đúc nên tăng tải trọng cột điện… Đáng chú ý, một số nhà khoa học cho rằng tuy cột điện ly tâm dự ứng lực được nhiều nước tiên tiến ứng dụng nhưng những nước này sử dụng cáp điện ngầm, còn ở Việt Nam thì cáp điện chạy bên trên (nhiều nơi còn có cáp ngoài ngành điện “mắc ké”) nên chịu tải trọng theo chiều ngang hay chéo vốn không phải là lợi thế của công nghệ này. Chỉ cần một lực tác động ngang hay chéo lớn hơn lực lõi thép trong trụ điện đã được kéo giãn chạm giới hạn, trụ sẽ đứt gãy.
Tính đến nay, PC Thừa Thiên-Huế thiệt hại khoảng 11,4 tỉ đồng do bão số 5.
Bình luận (0)