Đây là yêu cầu của Bộ LĐ-TB-XH tại Công điện ngày 2.2 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Yêu cầu báo cáo danh sách lao động Trung Quốc vừa trở lại Việt Nam
Trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona và để góp phần ngăn chặn dịch bệnh, tại công điện này, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV, dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; không tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch việc làm,... trường hợp cần thiết báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Đặc biệt, tại công điện này, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài tại các địa phương tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch, trong thời gian công bố dịch bệnh nCoV.
Trong trường hợp đã tiếp nhận trở lại thì doanh nghiệp phải báo cáo danh sách những lao động của doanh nghiệp vừa trở về Việt Nam từ Trung Quốc cùng với những thông tin cần thiết theo yêu cầu, thực hiện các biện pháp cách ly tại nơi ở và nơi làm việc theo hướng dẫn của cơ quan y tế; đồng thời theo dõi, kiểm tra sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam.
Cục Việc làm và Sở LĐ-TB-XH, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế các địa phương được yêu cầu tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch, trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh nCoV.
Lùi thời gian xuất cảnh lao động Việt Nam sang các nước có trường hợp nhiễm dịch bệnh
Ngoài những biện pháp trên, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu Cục Việc làm chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, cập nhật hàng ngày các số liệu, thông tin y tế liên quan tới lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch, nhất là lao động Trung Quốc (tổng số lao động nước ngoài, số về quê ăn tết, số đi qua vùng có dịch, số đã quay trở lại Việt Nam,...) để kịp thời báo cáo Bộ các giải pháp xử lý khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh nCoV.
Cục Quản lý lao động ngoài nước chịu trách nhiệm rà soát, nắm rõ số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại các nước đã có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV; khuyến cáo các doanh nghiệp tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có các trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV.
Trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, người lao động cần phải được quán triệt để chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nCoV, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được giao chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tập trung đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh khử trùng phòng học, nơi học để phòng, chống dịch bệnh nCoV. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học để tập trung phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Bình luận (0)