Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Tấm gương cô hiệu trưởng tiết kiệm điện lan tỏa

09/09/2023 12:13 GMT+7

Phiên họp tại trường do cô hiệu trưởng chủ trì kết thúc. Tôi ngồi lại nghiên cứu chuyên môn thêm. Nhìn đồng hồ 11 giờ 30 phút, tôi vội vã gập máy tính ra về. Tới cửa, thấy thiếu thiếu một thứ gì, tôi mới nhớ đèn vẫn sáng, quạt đang vù vù chạy. Tôi quay lại tắt đèn, quạt rồi vội vã ra xe.

Bất ngờ, từ đâu cô hiệu trưởng niềm nở bước tới bắt tay tôi. Tôi đang ngơ ngác thì cô giải thích: “Rất nhiều lần, cô thấy cháu luôn là người tắt các thiết bị điện của trường giúp cô. Cô muốn cảm ơn. Mong cháu tiếp tục làm tốt hơn và lan tỏa ý thức tiết kiệm điện tới tất cả mọi người.”.

Tấm gương cô hiệu trưởng tiết kiệm điện lan tỏa - Ảnh 1.

Tấm gương cô hiệu trưởng tiết kiệm điện lan tỏa - Ảnh 2.

Học sinh đọc sách dưới những tán cây trong trường giờ ra chơi

TGCC

Chúng tôi vui vẻ ra về. Chuyện chỉ có vậy mà khiến tôi chạnh buồn. Tôi không nghĩ việc mình làm lại lọt vào “tầm mắt” của hiệu trưởng, dù lúc ấy, tôi chỉ làm như một phản xạ tự nhiên, và mọi người cũng đã về hết từ lâu. Thêm nữa, một việc làm hiển nhiên như vậy mà hiệu trưởng cũng ban khen và cảm ơn ư?

Thực tế, tiết kiệm điện là công việc dường như chỉ có ở gia đình, khi các mẹ phải rút “hầu bao” trả tiền mỗi tháng. Số tiền lên đến vài triệu khiến các mẹ “rên rỉ”, bắt cả nhà “buộc bụng” tiết kiệm điện một cách tối đa.

Nhưng không ít các mẹ lại “phát minh” ra những cách “làm giàu” cho nhà mình bằng cách “vét tiền chùa” mà họ rất đỗi “tự hào”. Nhiều lần, tôi nghe đồng nghiệp nói: “Bật điều hòa lên, tội gì. Này điện nhà mình đâu!”. Hay có chị điều dưỡng hồn nhiên kể chị toàn tắm giặt ở viện. Mùa đông, chị mang quần áo cả gia đình tới giặt, sấy. Tiền điện nhà chị chả hết bao. Có chị lại khoe, chồng là nhân viên văn phòng, tất cả tài liệu học hành, đề thi của con, giáo án của vợ đều được in hết ở trường. Máy in ở nhà, quanh năm không “sờ” tới…

Nghe vậy, tôi ái ngại, mà ngắc ngứ không biết phải mở lời sao.

Tấm gương cô hiệu trưởng tiết kiệm điện lan tỏa - Ảnh 3.

Chính những việc làm lặng lẽ phía sau của cô hiệu trưởng đã thay đổi tất thảy chúng tôi, từ những đồng nghiệp ích kỉ tới những học trò đểnh đoảng

Tấm gương cô hiệu trưởng tiết kiệm điện lan tỏa - Ảnh 4.

Khẩu hiệu ở lớp chúng tôi

TGCC

Sở dĩ, tôi có ý thức tiết kiệm điện cho cơ quan như vậy vừa do lòng tự trọng nhưng nhiều hơn là do hiệu trưởng của mình. “Sếp” tôi là người không ưa nói. Thường trong buổi họp, cô chỉ nhắc một lần để tránh khiến nhân viên khó chịu.

Một bữa, tôi nán lại làm học bạ mà không biết hiệu trưởng vẫn đang ngồi làm việc ở phòng văn thư. Tôi mở cửa, tính in mấy thứ cho đỡ tốn điện nhà, giật mình khi thấy cô khuất sau máy tính. Cô cặm cụi làm việc, chỉ bật một bóng điện góc cô ngồi, một chiếc quạt trần, dù nắng tây vẫn rực lên hắt trọn vào phòng.

Tôi ngạc nhiên: “Ô, sao cô không bật điều hòa?”. Cô cười: “Mỗi mình cô, bật cả căn phòng cũng phí đi cháu ạ!”. Tôi im lặng, xấu hổ khi nghĩ đến ý định dùng “điện chùa”, khi chỉ vài phút trước đó, mình mới tắt điều hòa, tắt các quạt và hệ thống đèn điện sáng choang trong phòng Hội đồng, trong khi chỉ có một mình.

Một lần khác, cô cũng khiến tôi suy nghĩ. Thông thường khi tiếng trống vào lớp vang lên, chúng tôi lục tục xách cặp lên lớp, có khi điều hòa, quạt vẫn chạy, đèn quên không tắt là chuyện bình thường. Hôm ấy, tôi có tiết sau nên đến trễ. Vừa tới hành lang, tôi đã thấy cô lặng lẽ đi tới các phòng ban tắt quạt, tắt điện.

Từ sau lần ấy, tôi mới nâng cao ý thức tiết kiệm điện cho cơ quan - điều mà trước đây tôi vốn “chậc kệ” chả liên quan mình. Tôi quan sát cô nhiều hơn. Những buổi học đầu năm, khi nề nếp chưa ổn định, ngoài việc nhắc giáo viên đôn đốc học sinh trong việc sử dụng điện, cô còn âm thầm đi kiểm tra dọc hành lang các lớp khi buổi học kết thúc. Có những lớp quên, cô đến phòng bảo vệ lấy chìa khóa mở cửa, tắt hết các thiết bị điện. Sáng sau, cô gọi riêng cán bộ lớp đó nhắc nhở rất ân cần.

Tấm gương cô hiệu trưởng tiết kiệm điện lan tỏa - Ảnh 5.

Cô hiệu trưởng (trái) và tác giả bài viết

TGCC

Chính những việc làm lặng lẽ phía sau của cô hiệu trưởng đã thay đổi tất thảy chúng tôi, từ những đồng nghiệp ích kỉ tới những học trò đểnh đoảng. Chúng tôi thấm thía nhận ra rằng: Tiết kiệm điện thực sự là việc làm không của riêng ai.

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.