Tâm hồn người Sài Gòn qua tranh Lê Sa Long

29/06/2021 00:00 GMT+7

Tôi đã nhìn rất lâu vào bức tranh vẽ người phụ nữ Quảng Ngãi bán vé số của Lê Sa Long mang tựa ‘Mơ là triệu phú’, và tôi thấy đôi mắt buồn thăm thẳm của người mẹ bán vé số thời dịch bệnh.

Một bàn tay cầm xấp vé số không người mua, một bàn tay đưa ngang che mặt, như muốn giấu nỗi buồn không giấu được. Bây giờ dịch bệnh, thành phố nghĩa tình này không bỏ họ, nhưng làm sao họ kiếm ra tiền, khi dịch bệnh hoành hành, phố xá thưa vắng người, mọi hoạt động dịch vụ ngừng trệ?
Là một người lính từng trải qua chiến trường Campuchia, họa sĩ Lê Sa Long đặc biệt xúc động với những nghĩa tình, từ tình đồng đội, tình nhân ái, tình bao dung, nghĩa hiệp mà anh cảm nhận từ những con người bình thường ở Sài Gòn - thành phố anh đã sống bao năm nay. Những bức tranh của Lê Sa Long không hoa mỹ, nó hiện thực, và qua hiện thực, nó ẩn chứa bao tình cảm, nó phản chiếu những tâm hồn. Mà tâm hồn là điều khó thể hiện nhất trong văn học nghệ thuật nói chung, chứ không chỉ trong hội họa.
Nhìn hình ảnh một con phố vắng người mùa dịch Covid-19 ở Sài Gòn trong tranh Lê Sa Long, người xem bỗng trào lên những xúc cảm. Dịch bệnh đã làm thay đổi, làm đảo lộn cả bên ngoài thành phố và bên trong con người đang sống trong thành phố. Vẽ thành phố từ bên ngoài để thấy tâm hồn con người từ bên trong, đó là nghệ thuật. Lê Sa Long đã làm được điều đó, bằng tất cả yêu thương và tấm lòng mình gắn bó với người dân Sài Gòn bao năm nay. Họ đi vào tranh của anh một cách tự nhiên, bởi tâm hồn anh đã mở cửa đón họ vào.
Với hội họa của Lê Sa Long, ta gặp những con người lam lũ của Sài Gòn hoa lệ, hình ảnh họ hiện lên trung thực, không một chút làm màu hay che đậy, và đó chính là hình ảnh của người lao động Sài Gòn, những người đang khốn khó trong thời dịch bệnh vì không thể bám đường phố để sống còn. Hình ảnh đường phố vắng người không chỉ đẹp, mà còn đau, rất đau. Vì khi thiếu bóng dáng những người lao động đường phố, Sài Gòn như thiếu cái gì làm nên cốt lõi của mình.
Vâng, Sài Gòn là thành phố lao động, thành phố của những người lao động ở rất nhiều nghề nghiệp, nhiều lĩnh vực, từ lao động trí óc tới lao động chân tay, từ lao động bậc cao tới lao động bậc thấp, từ người thu lượm ve chai tới người sáng tạo “máy ATM gạo”. Họ sống vì mình và sống vì nhau. Tại đó, hình thành một “từ trường nghĩa hiệp” mang truyền thống những lưu dân Nam bộ tận ngày xưa mở đất. Vẽ được tấm lòng nghĩa hiệp của người Sài Gòn qua “máy ATM gạo” hay “ống ATM gạo”, vẽ những người lao động đường phố rưng rưng nhận những món hàng 0 đồng, những bữa cơm cần lao miễn phí, là đã vẽ được nghĩa tình người Sài Gòn, vẽ được chân dung “Thành phố nghĩa tình”.
Không hiểu sao, từ khi anh Võ Văn Thưởng nói với tôi cụm từ “Thành phố nghĩa tình” dùng cho Sài Gòn, tôi thấy thành phố này trở nên quá đỗi thân thương với mình. Bây giờ, được xem những bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long vẽ Sài Gòn mùa dịch bệnh trên báo, tôi vẫn cảm nhận được những gì làm nên cốt lõi tâm hồn người Sài Gòn. Đó đích thực là thành phố bao dung và nghĩa hiệp.
Nói lên được điều đó bằng nghệ thuật của mình, là người nghệ sĩ đã thành công.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.