Tam quan chùa Bổ Đà xây không đúng hồ sơ được duyệt

15/03/2018 12:18 GMT+7

Theo Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), tam quan chùa Bổ Đà được xây không đúng với hồ sơ kỹ thuật được Cục này phê duyệt.

Theo Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), sau khi kiểm tra thực tế tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Bắc Giang), Cục nhận thấy kiến trúc Tam quan đang triển khai thi công không hoàn toàn đúng với hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà. Hồ sơ này đã được Bộ VH-TT-DL thẩm định tại Công văn số 4401 ngày 31.10.2016.
Cũng theo Cục Di sản, khi địa phương trình văn bản và hồ sơ liên quan đến công trình tam quan này, Cục đã khảo sát trực tiếp tại di tích và mời PGS-TS Trần Lâm Biền cùng tham gia. Hơn nữa, qua quá trình nghiên cứu, thẩm định thận trọng, Bộ đã có văn bản thẩm định phương án như đã nói ở trên, trong đó yêu cầu Sở công khai nội dung xây dựng trước nhân dân và chính quyền địa phương trước khi triển khai thực hiện.
Nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai, người nhiều năm gắn bó với chùa Bổ Đà, cho biết: “Chùa Bổ Đà có cái hay là nó nhỏ. Bổ Đà vừa là một chùa vừa là một công trình phòng thủ nữa với tường đất xây cao. Nếu muốn xây thêm gì đó thì phải tôn trọng việc giữ tỷ lệ. Xây một cái cổng quá to thì sẽ phá vỡ tỷ lệ đó. Theo tôi, việc xây thêm này rất đáng tiếc vì về mặt thấu thị, thẩm mỹ, nó làm tỷ lệ của chùa cũ bị lệch lạc”.
Theo hồ sơ di tích gốc, chùa Bổ Đà không có tam quan. Hiện tại cũng chưa có nghiên cứu khảo cổ nào chứng tỏ tại đây từng tồn tại một tam quan. Bên cạnh đó, các tư liệu nghiên cứu khác cũng không cho thấy chùa từng có tam quan. Vì thế, nhiều nhà khoa học cho rằng việc xây dựng tam quan này không cần thiết.
Thậm chí, TS Nguyễn Hồng Kiên, đồng chủ biên cuốn sách tư liệu về chùa Việt, còn cho rằng: “Khi công nhận di tích không có tam quan, nay cứ xây thêm tùy tiện như thế thì còn gì là di tích nữa? Ta không cho đưa linh vật ngoại lai vào các di tích nhưng lại làm thêm, làm mới một công trình trước nay di tích không hề có? Việc này không thể được coi là trùng tu - tôn tạo, nhất là đây lại là một di tích quốc gia đặc biệt”.
Về việc thêm tam quan này, Cục Di sản cho rằng, trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, tam quan là công trình gắn với chùa, Nghi môn gắn với đình, đền. Lịch sử hình thành các di tích cũng cho thấy, rất ít tổng thể di tích được quy hoạch hoàn chỉnh ở một thời kỳ. Di tích chúng ta thấy hiện tại là kết quả của quá trình xây dựng, tu bổ lâu dài, trong đó có việc bổ sung những yếu tố mới để hoàn thiện tổng thể kiến trúc. Điều này thể hiện diễn biến của di tích, có thể có cả sự tiếp biến văn hóa và theo quy định (cả luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế) những thành phần di tích có giá trị thuộc nhiều thời kỳ khác nhau đều được tôn trọng.
“Chính vì thế, một số di tích gần đây có sự xuất hiện của công trình mới, đóng góp vào giá trị tổng thể chung (như tại Văn Miếu Hà Nội, hay Nghi môn đình Chu Quyến ở Hà Nội…  đều được đánh giá là hợp lý và phù hợp với di tích)”, Cục Di sản cho biết.
Theo Cục Di sản, với trường hợp chùa Bổ Đà, Tam quan (công trình gắn với Phật đạo, ranh giới giữa cuộc đời trần thế với cõi đạo) nếu được dựng trên trục chính đạo của chùa, phía trước Tam bảo là phù hợp. Mặc dù vậy, Cục Di sản cũng cho rằng: “Việc cho rằng chùa Bổ Đà không có Tam quan là do tính chất đặc biệt hoặc tạo nên sự đặc biệt của chùa (như một số ý kiến đã nêu) cần được thảo luận thêm”.
Như vậy, vấn đề tiếp tục cần được đặt ra là, tại sao khi chưa có thảo luận công khai về việc không có cổng là nét đặc biệt của chùa Bổ Đà, Bộ VH-TT-DL lại cho phép xây cổng Tam quan ở đó?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.