Trong khi đó vẫn chưa có chính sách chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cho việc điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đây là cái khó, cái khổ của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tham gia thực hiện loạt bài Khát vọng ầu ơ (đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 18 - 24.5) và cũng từng trong cảnh hiếm muộn suốt 5 năm, tôi rất đồng cảm với bức tâm thư của những người vô sinh, hiếm muộn ở tỉnh Hòa Bình gửi đến Thủ tướng và các cơ quan chức năng kiến nghị về chính sách BHYT.
Theo nội dung tâm thư, vô sinh, hiếm muộn gây ra nhiều nỗi đau, sự kỳ thị và gây ức chế thần kinh. Nó làm kiệt quệ thể xác và tinh thần, hiệu suất lao động giảm sút. Do không thuộc diện hưởng BHYT, biết bao người vì các chi phí quá đắt đỏ đã phải đi chữa ở những cơ sở y tế không uy tín để rồi “tiền mất tật mang” và sống trong nỗi tuyệt vọng.
Biết bao hoàn cảnh đáng thương, éo le, khuynh gia bại sản vì chữa vô sinh. Có những người không có đủ tiền đi chữa trị, mất đi hạnh phúc gia đình… Những người viết tâm thư nêu vấn đề: “Chúng tôi không hiểu tại sao một căn bệnh nguy hiểm và có ảnh hưởng lớn như bệnh vô sinh, hiếm muộn mà nước mình lại không công nhận đó là bệnh và từ chối những chính sách chăm sóc bằng BHYT?”.
Không ít bác sĩ cũng rất trăn trở về vấn đề BHYT trong điều trị vô sinh, hiếm muộn. Tôi từng lặng người khi được một bác sĩ cho xem tin nhắn của một phụ nữ hiếm muộn khiến ông day dứt: “Nếu em không có tiền điều trị là chấp nhận vô sinh luôn hả bác? Buồn cho số phận mình quá!”.
Chi phí điều trị hiếm muộn, vô sinh ở Việt Nam hiện còn khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, trong đó chi phí một ca thụ tinh ống nghiệm thông thường từ 60 - 100 triệu đồng. Trong khi đó, BHYT chưa chi trả cho việc điều trị vô sinh, hiếm muộn nên có những ca không chịu nổi, đành bỏ cuộc… Cần xem xét nguyện vọng thống thiết được đề cập trong tâm thư, đó là: Phải xem vô sinh, hiếm muộn là một bệnh và người vô sinh, hiếm muộn phải được chăm sóc công bằng, được hưởng chính sách BHYT như các bệnh khác.
Bình luận (0)