Khát vọng ầu ơ: Khi ước mơ không thành

Như Lịch
Như Lịch
24/05/2020 05:41 GMT+7

Con cái thường được xem là sợi dây kết nối vợ chồng, gia đình. Khi không thể sinh con, người ta có thể chọn những 'sợi dây' khác làm điểm tựa cuộc đời.

Thời gian gần đây, vợ chồng ông N.D (quê Bình Thuận) thường xuyên đăng hình đi du lịch, vui chơi lên mạng xã hội. Điều này gây bất ngờ cho những ai đã quen với hình ảnh ưu tư, bế tắc của họ trước đây. Sau 24 năm vô sinh, phải chăng họ mới có tin vui?

Chuẩn bị nhiều “kịch bản”

Vợ chồng ông N.D (công nhân viên chức) hiếm muộn gần 25 năm nay, chữa chạy đủ cách nhưng đều không có kết quả. Đôi lúc quá căng thẳng, tuyệt vọng, họ suýt buông tay nhau như một số cặp đôi vô sinh, hiếm muộn khác. Hiện nay, hai người xấp xỉ 50 tuổi, không còn nôn nao đi kiếm con vì đã chuẩn bị một số phương án cho đoạn đời tuổi-già-không-con.
Ông N.D nói: “Chúng tôi biết sau này không có ai bên cạnh giúp mình nên từ bây giờ, chúng tôi phải sắp xếp lại cuộc sống. Vợ chồng tôi rất thích công nghệ nên sẽ tận dụng sự hỗ trợ của nó”. Ông dẫn chứng: Muốn mua đồ, nếu mình đi không nổi hoặc thấy nhờ vả phiền hà, có thể đặt online giao tận nhà. Hoặc, thay vì lọ mọ đứng dậy bật cái quạt, chỉ cần điều khiển tự động là nó quay rồi.
“Kịch bản” thứ hai, nếu một người “khuất núi”, người còn lại sống như thế nào? Ông N.D giải thích: “Thời hiện đại, người già vô sống trong trại dưỡng lão là bình thường. Đó là nơi sinh hoạt tập thể, người già có bạn cùng hoàn cảnh tâm tình cho đỡ buồn, có người chăm sóc, có chỗ nương tựa cuối đời. Tôi nghĩ mô hình trung tâm bảo trợ cần đổi mới. Người vào đó sống còn có sự đóng góp của họ, chứ không chỉ theo kiểu bố thí hay diện chính sách”...
Khát vọng ầu ơ: Khi ước mơ không thành1

...và cưu mang trẻ mồ côi

ẢNH: NHƯ LỊCH

Lần nào đến Trung tâm công tác xã hội Long An (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An), tôi đều ấn tượng khoảnh sân có giàn phong lan xinh xắn cùng những chậu cây - hoa đa sắc trong khu dưỡng lão. Thoạt đầu, tôi tưởng không gian tươi tắn này được trung tâm thiết kế. Hóa ra, đó là “công trình” tự tạo của trại viên Võ Thị Năm (68 tuổi, diện người già neo đơn). Bà Năm là cựu cán bộ của một trung tâm sức khỏe cộng đồng ở tỉnh Long An, từng lập gia đình nhưng không có con. Sau này chồng bà bị tai biến và trở về với con riêng của ông, bà xin vào trung tâm từ năm 2015. Thời gian đầu bà Năm thấy sốc và tủi thân. Dần dà, bà thích nghi và thấy ấm lòng với những gì mình đang được hưởng: cơm ăn ngày ba bữa, đau bệnh có nhân viên chăm sóc. Thay vì để ngày tháng tẻ nhạt trôi đi, bà cố gắng tự tạo niềm vui cho mình và cho những người xung quanh.
Không chỉ gầy dựng giàn hoa, cây cảnh tô điểm khu dưỡng lão, bà Năm còn cưu mang cháu Nguyễn Hữu Phước - bị khuyết tật và gia đình bỏ rơi. Hơn ba năm nay, bà kiên nhẫn dạy chữ, rèn tính tự lập và nền nếp cho cậu bé. Đáp lại tình thương vô bờ bến ấy, bé Phước âu yếm gọi bà Năm là “bà ngoại”. Với bà Năm, Phước là món quà quý bất ngờ trời ban. Hai bà cháu, hai thân phận côi cút nương tựa nhau sống, coi nhau như ruột thịt.
Chuyên gia tư vấn tâm lý tình yêu - hôn nhân - gia đình Nguyễn Thu Hiên cho rằng không ít cặp vợ chồng vô sinh vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Cạnh đó, một số cặp vô sinh chọn những giải pháp như: xin con nuôi; nuôi cháu của anh chị em mình... Bà Hiên nhấn mạnh: “Đôi khi con nuôi, cháu nuôi hiếu thảo, còn con ruột bất hiếu hoặc ngược lại. Bất kể con nuôi hay con đẻ, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, thể hiện qua cách mình nuôi dạy, tư chất người được nuôi dưỡng”, chuyên gia tư vấn Thu Hiên nhấn mạnh.

Tâm thư của những người hiếm muộn

Đầu năm nay, trong vai người điều trị hiếm muộn, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM để khám bệnh. Chúng tôi hỏi: “Khám hiếm muộn có chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) không?”. Câu trả lời tương tự nhau từ nhân viên khoa hiếm muộn và tại bàn hướng dẫn: “Trước giờ hiếm muộn không nằm trong danh mục hưởng BHYT”.
Khát vọng ầu ơ: Khi ước mơ không thành2

Thầy thuốc đông y điều trị hiếm muộn tại một phòng khám gia truyền ở Q.Tân Bình, TP.HCM

ẢNH: NHƯ LỊCH

Trong hai năm 2018 - 2019, chị Ngô Thị Hằng (35 tuổi, ngụ tại tỉnh Hòa Bình) và một số người bạn trong hội vô sinh, hiếm muộn ở địa phương đã viết những bức tâm thư gửi Thủ tướng và những cơ quan liên quan.
Theo bức tâm thư, vô sinh, hiếm muộn gây ra nhiều nỗi đau, sự kỳ thị và gây ức chế thần kinh. Nó làm kiệt quệ thể xác và tinh thần, hiệu suất lao động giảm sút. Do không thuộc diện hưởng BHYT, có bao nhiêu phụ nữ, đàn ông vì các chi phí quá đắt đỏ đã phải đi chữa ở những cơ sở y tế không uy tín để rồi tiền mất tật mang và triền miên sống trong nỗi tuyệt vọng nghẹt thở. Biết bao hoàn cảnh đáng thương, éo le, khuynh gia bại sản, mất hạnh phúc gia đình vì chữa vô sinh.
“Chúng tôi không hiểu tại sao một căn bệnh nguy hiểm và có ảnh hưởng lớn như bệnh vô sinh, hiếm muộn mà nước mình lại không công nhận đó là bệnh và từ chối những chính sách chăm sóc bằng BHYT?”, chị Hằng bức xúc.
Vì thế, đại diện những người vô sinh, hiếm muộn kiến nghị, vô sinh - hiếm muộn là một bệnh (có biểu hiện bệnh lý; có phác đồ điều trị; có khả năng phục hồi; có hậu quả trực tiếp và gián tiếp) và phải được chăm sóc công bằng như các bệnh khác. Những người đi chữa vô sinh, hiếm muộn phải được hưởng BHYT và chính sách ưu tiên.
Bức tâm thư có đoạn: “Khi chúng tôi viết những dòng này, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chảy thấm ướt giấy, ướt khăn. Nước mắt của những người chưa từng được một lần làm cha, làm mẹ, nước mắt chảy hằng đêm, nước mắt chảy bất cứ lúc nào”.
Ru con - một hành động yêu thương rất đỗi bình dị của người mẹ - lại là khát vọng cháy bỏng của những người hiếm muộn: Khát vọng ầu ơ!
“Giờ nào việc nấy”
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên chia sẻ, kế hoạch hóa cũng tốt, nhưng phải tùy giai đoạn, “giờ nào việc nấy”. Nhiều cô 28 - 30 tuổi mới lấy chồng (tuổi đẹp nhất để có em bé đầu tiên) mà còn kế hoạch suốt, rất dễ dẫn đến hiếm muộn, vô sinh.
Bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn - thụ tinh trong ống nghiệm Cao Hữu Thịnh lưu ý: “Nhiều phụ nữ tưởng rằng dễ có thai lắm. Nhưng thực tế, tuổi càng lớn thì tỷ lệ có thai tự nhiên giảm theo, thậm chí không thể có thai. Mặt khác, có những người vô sinh để đến 10 - 20 năm mới đi khám, lúc đó buồng trứng đã suy kiệt...”.
Có nhiều kinh nghiệm điều trị hiếm muộn vô sinh, đông y sĩ Phan Phước Thạnh (thuộc Hội Y học dân tộc TP.HCM) khuyến cáo các cặp vợ chồng lấy nhau không có kế hoạch gì, nếu sau một năm chưa có con thì phải đi khám. Theo lương y Thạnh, nhiều bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn không kiên trì điều trị. Họ sang đông y vài tháng thấy chưa đậu thai là chạy qua tây y. Sau mấy tháng thất bại, họ quay lại đông y, cứ “quành qua quành lại” như vậy nên khó đạt hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.