Tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Không vì lợi ích nhóm, tư túi cá nhân

26/10/2017 15:36 GMT+7

Trao đổi với báo chí sau khi được phê chuẩn, tân Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện BOT, trên cơ sở hoàn thiện khung khổ pháp lý, không vì lợi ích nhóm hay tư túi cá nhân.

Cảm giác của ông khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông vận tải vào thời điểm này?
Trân trọng cảm ơn các đại biểu đã phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm tôi làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, đây là một vinh dự và trách nhiệm rất to lớn với ngành giao thông, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Như chúng ta biết, giao thông phải đi trước một bước, cần tạo động lực để phát triển kinh tế, nhưng trong giai đoạn hiện nay kinh phí rất hạn hẹp, ngân sách khó khăn, ODA hạn chế, nợ công tăng cao, huy động vốn xã hội thì có mức độ.
Trước nhu cầu rất lớn, nguồn vốn thì hạn chế cũng rất khó khăn. Nhưng Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm, tôi sẽ cố gắng hết mình để cùng ngành giao thông phát triển.
Nhiều thách thức khi nhận nhiệm vụ, đặc biệt là tình trạng các dự án BOT, ông sẽ có biện pháp gì để khắc phục?
Vấn đề BOT báo chí đăng rất nhiều, Bộ Giao thông vận tải cách đây 3 - 4 năm đã tập trung rất nhiều tâm huyết để cụ thể hoá nghị định 108 phát triển giao thông. Qua thời gian triển khai, bản thân Bộ thấy có nhiều vấn đề cần rút ra, đã chủ động mời Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định cùng với Bộ tài chính để xác định vị trí các trạm thu phí, cùng với chính quyền địa phương để xử lý chặt chẽ.
Các dự án BOT cũng đã đóng góp lớn cho ngành giao thông, nhưng hiện nay cũng có một số vấn đề. Tôi nghĩ chủ trương của Đảng và Nhà nước rất đúng. Trong quá trình làm, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chủ động nhưng khuôn khổ luật pháp chưa hoàn chỉnh vì Nghị định 108 dành cho tất cả các ngành, trong đó có giao thông. Gần đây Chính phủ ban hành nghị định 15 và 30 cụ thể hơn về BOT, các dự án gần đây thực hiện theo nghị định này thì chặt chẽ hơn trước đây. Tôi cũng nghĩ Bộ Giao thông vận tải đã tổng kết và xem xét các ưu, khuyết điểm về dự án BOT.
Rất mừng là cách đây vài hôm, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về BOT, trong đó cũng có những yêu cầu mang tính ràng buộc pháp lý với BOT. Việc nâng cấp thành luật, nghị quyết về BOT, được đông đảo đại biểu Quốc hội góp ý.
Tôi nghĩ có làm thì có đúng có sai, nhưng cái tâm của cán bộ ngành giao thông vì sự nghiệp chung, không vì lợi ích nhóm hay tư túi, cá nhân nào có vấn đề này pháp luật sẽ xử lý.
Về cái chung, nếu không tập trung phát triển BOT, không huy động các nguồn vốn xã hội sẽ không tạo đột phá về hạ tầng. Ban chấp hành Trung ương đã xác định hạ tầng trong đó có giao thông là một trong 3 điểm nghẽn rất lớn, do đó BOT là chủ trương đúng, sẽ cố gắng thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Triển khai hài hoà, đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966, quê quán tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Công tác tại Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn "nóng" của ngành, bản thân nhân sự được Chính phủ trình để Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng là người ký quyết định phê duyệt và được phân công theo dõi các dự án BOT phía Nam như: BOT Cai Lậy, dự án BOT quốc lộ 91 nối Cần Thơ, An Giang, BOT Bạc Liêu… Trong đó, dự án BOT Cai Lậy vẫn là "điểm nóng" tồn đọng khi mấu chốt khiến người dân bất bình là vị trí trạm thu phí chưa được giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.