Những ngày qua, dư luận xôn xao về con số 178.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, từ bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2015 của Viện Khoa học lao động và xã hội. Nếu tính thêm những phụ nữ có bằng cử nhân trở lên quyết định ở nhà để chăm sóc gia đình, thì con số này có thể hơn 200.000.
Có thể thấy, đây thực sự là một sự hoang phí tài nguyên xã hội, cả về mặt trí tuệ và sức lao động. Nếu 10% số này (20.000 người) đóng góp vào nền kinh tế chỉ ở mức 5 triệu/tháng/người thì tổng số sẽ là 1.200 tỉ đồng/năm. Còn nếu sau vài tháng mà vẫn chưa tìm được việc làm thì rất có thể người thất nghiệp sẽ không tiếp tục theo đuổi chuyên môn mà họ được đào tạo, như thế chi phí đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực này xem như mất trắng.
Một số lý do cho hiện tượng này đã được đưa ra mổ xẻ như: Những bất cập trong đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của xã hội; Kinh tế trong nước suy thoái do bị ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu... Hiểu được nguyên nhân của vấn đề là điều tất yếu, nhưng đưa ra những giải pháp có thể giải quyết vấn đề hay chỉ một phần của nó, thật sự quan trọng hơn.
Để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp, chúng tôi đã tiến hành một “thí nghiệm” nhỏ từ hai đại diện người thất nghiệp: một sinh viên công nghệ thông tin trẻ mới ra trường nhưng chưa có việc làm và một phụ nữ có bằng cử nhân, có kinh nghiệm làm việc về công nghệ thông tin nhưng phải về quê để ở nhà nuôi con nhỏ. Cả hai được cung cấp ý tưởng để thiết kế, phát triển ứng dụng cho điện thoại thông minh (cả hai có thể gọi qua Skype để được hướng dẫn thêm khi cần trong quá trình phát triển sản phẩm và được nhận một ít phụ cấp hằng tháng). Kết quả, sau hơn 6 tháng, bạn sinh viên trẻ đã hoàn tất một trò chơi mang tính giáo dục về hóa học dành cho người dùng ở mọi trình độ khác nhau, gọi là Dalton và nhờ vậy nhận được học bổng học cao học tại Mỹ. Còn bà mẹ một con vừa làm vừa trông con cũng hoàn tất KHỎE - một ứng dụng dành cho những ai quan tâm đến sức khỏe và đặc biệt là những người bị tiểu đường, cao huyết áp, hay béo phì; hiện đang tìm người hợp tác hoặc đầu tư để đưa ứng dụng này ra thị trường ở VN.
“Thí nghiệm” này chứng minh một điều quan trọng là nếu tạo được môi trường với những công trình nhỏ và cụ thể, những cử nhân và thạc sĩ “thất nghiệp” có thể trau dồi thêm kinh nghiệm và một số kỹ năng làm việc để nâng cao cơ hội tìm được việc làm, hoặc những phụ nữ có chuyên môn cao nhưng không đi làm vì lý do gia đình vẫn có thể sử dụng chuyên môn để đóng góp cho phát triển kinh tế. Qua đó, sẽ giúp nâng cao vai trò phụ nữ và ổn định xã hội.
Bình luận (0)