Bị hấp dẫn bởi nhiều thứ mới mẻ
Chia sẻ về vấn đền này, ông Nguyễn Tân Xuân Tùng, chuyên viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Không ít tân sinh viên khi đậu ĐH vẫn còn nguyên cảm giác sung sướng, dễ bị “ngủ quên trên chiến thắng”, nên có suy nghĩ đây thời gian này mình phải xả hơi cái đã, vì lâu nay mình ôn thi vất vả như vậy mà. Rồi nghe đâu đó ai nói 'học ĐH sướng hơn phổ thông nhiều, đằng nào ra trường cũng kiếm được việc, trẻ không chơi già hối hận đấy…', các em không hiểu lại tưởng thật, làm theo…”.
Theo ông Tùng, chính vì suy nghĩ như thế nên có nhiều sinh viên ngồi ở quán điện tử nhiều hơn cả thời gian đến lớp. “Rồi biết hết quán trà sữa, ăn vặt chỗ nào ngon, quần áo chỗ nào rẻ đẹp, lịch đi chơi dày lên đồng nghĩa với việc cúp học nhiều hơn. Tâm lý xả hơi có sức mạnh như a xít, dần dần ăn mòn bạn. Trượt một môn, không sao, con số dần dần tăng lên đến 3, 5 môn. Môn học cũng tăng lên theo cấp độ khó dần, vết trượt từ những năm đầu kéo dài có khi đến hết cả quãng thời gian bạn ngồi trên giảng đường đại học. Bạn dễ dãi thỏa hiệp với bản thân rằng chỉ cần qua môn thôi, điểm số không thể hiện gì cả, mình không phải là con mọt sách, mình giỏi nhiều thứ hơn…”, ông Tùng cảnh báo.
Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng Bộ môn Quản lý hàng hải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho rằng không ít tân sinh viên tự cho phép mình "xả hơi" trong thời gian bước vào giảng đường vì nghĩ việc đậu ĐH là một "thành tích tốt".
“Một số em trong quá trình làm quen với cuộc sống mới, môi trường mới, bị hấp dẫn bởi nhiều thứ mới mẻ, nhiều em lại lo đi làm để kiếm tiền, không biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý nên lơ là việc học”, tiến sĩ Vũ nhìn nhận.
Chủ động mới thành công
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đưa ra lời khuyên, sau khi nhập học, các trường sẽ tổ chức tuần sinh hoạt công dân, tân sinh viên nên tham gia để tiếp cận, tìm hiểu những thông tin quan trọng và cần thiết nhất khi mới bắt đầu bước chân vào giảng đường ĐH. “Đặc biệt, cách học ĐH sẽ khác hẳn với thời phổ thông. Việc học tín chỉ cần tinh thần chủ động. Mỗi em sẽ có cố vấn học tập cho mình, nên các em cần phải tìm hiểu mình được thầy cô nào cố vấn, xin số điện thoại, email để liên lạc khi cần hỗ trợ. Các em cũng nên chủ động tham gia các hoạt động của trường, các CLB đội nhóm để rèn luyện kỹ năng”, thạc sĩ Cường chia sẻ.
Cách tính điểm của tín chỉ cũng khiến nhiều tân sinh viên bỡ ngỡ, thậm chí không hiểu nên dễ bị học lại. Tiễn sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý: “Các em cần phải nghiêm túc tìm hiểu mọi quy định, quy chế đào tạo ở trường. Cách tính điểm của tín chỉ cần phải nắm rõ. Không ít em hiểu lơ mơ nên chủ quan, dẫn đến khi kết thúc học kỳ 1 hoặc năm nhất, điểm lại dưới trung bình, ảnh hưởng tới toàn bộ kết quả học tập. Ngoài ra, để hiệu quả, các em phải chủ động sắp xếp kế hoạch học tập, nên học môn nào trước, môn nào sau, thời gian nào cho phù hợp…”.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, lại muốn sinh viên biết cách ứng xử với các mối quan hệ mới. “Các mối quan hệ mới mang lại những cơ hội lẫn thách thức cho các bạn sinh viên năm nhất. Tôi khuyên các bạn mở lòng đón nhận, đồng thời có những đánh giá nhất định thông qua kỹ năng quan sát và giao tiếp của bản thân, lẫn tham khảo ý của thầy cô, bạn bè và gia đình...”, thạc sĩ Hữu cho biết.
Theo thạc sĩ Hữu, hoạt động ngoại khóa là một phần không thể thiếu. Tham gia đúng hoạt động giúp sinh viên củng cố kiến thức lẫn kỹ năng sống của mình. “Năm nhất là lúc giao thoa giữa phương pháp học tập phổ thông và ĐH. Mỗi trường có cách giảng dạy khác nhau, nhưng nhìn chung đều khuyến khích sự chủ động của sinh viên trong lĩnh hội kiến thức. Sinh viên cần lên kế hoạch học tập cho bản thân, kế hoạch làm việc nhóm, tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe và cả thời gian dành cho bản thân, gia đình. Đây là vấn đề tưởng dễ nhưng không dễ. Thêm vào đó, nó lại là nền tảng giúp các bạn học tốt hơn trong những năm học sau”, thạc sĩ Hữu nhắn nhủ tân sinh viên.
Bình luận (0)