Như Thanh Niên đã đưa tin, các quận huyện và TP.Thủ Đức sẽ khẩn trương lập thêm danh sách người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) như giúp việc nhà, bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ... để Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất hỗ trợ thời gian tới.
Hợp lý
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 19.7, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết sở này vừa có công văn khẩn đề nghị các địa phương rà soát, thống kê thêm những người lao động tự do như giúp việc nhà, bán báo dạo, đánh giày, bảo vệ, giữ xe… gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Đây là nhóm lao động tự do sẽ được tiếp tục đề xuất hỗ trợ.
Nhận xét về chính sách mới này, nhiều bạn đọc (BĐ) ngay lập tức hoan nghênh và cho rằng việc mở rộng nhóm lao động tự do thụ hưởng hỗ trợ mùa dịch Covid-19 là hoàn toàn hợp lý. BĐ Ta Nguyen nêu: “Đọc được thông tin này rất lấy làm vui lòng, bản thân đang thất nghiệp, hiện không có thu nhập, tôi rất biết ơn thành phố đã tận tâm, tận tình với người dân”.
Cùng với suy nghĩ ấy, BĐ Phan Quang Ngai đề nghị thêm: “Nên hỗ trợ cho đúng người nghèo, người đang ngặt, còn những người không khó khăn thì nên tự giác từ chối để giúp cho những người khó khăn. Đó mới là tình người trong cơn dịch bệnh hoạn nạn này”. Nhưng cũng có BĐ cho rằng “đã hỗ trợ là phải hỗ trợ hết”, như ý kiến của BĐ Le Huu Thanh: “Xin thưa, tất cả người dân không ai khá hơn khi nhận mức hỗ trợ này. Nhưng việc hỗ trợ thể hiện sự quan tâm đến người dân TP.HCM trong lúc khó khăn. Đó mới là ý nghĩa lớn”. BĐ Dang Xuan Dien còn đề nghị “nên thống kê rồi hỗ trợ cho từng hộ gia đình luôn, đừng tách bạch ra nữa”.
Cần công tâm
Cũng theo ông Lê Minh Tấn, các địa phương khi lên danh sách có thể chủ động đề xuất bổ sung các nhóm công việc lao động tự do khác phù hợp với thực tế. Nhiều BĐ hy vọng khi việc thống kê đối tượng thụ hưởng được giao về cấp cơ sở, nhiều nhóm lao động làm những công việc “không tên tuổi” sẽ được lưu tâm đến. BĐ Thong nêu ví dụ: “Nhóm nhân viên bán hàng của các cửa hàng thuộc nhóm ngành không thiết yếu như giày dép, quần áo, đồ điện tử… cũng cần xem xét. Họ đã thất nghiệp cả tháng nay, nhưng vì không có hồ sơ cụ thể nên không được hỗ trợ”. BĐ Huỳnh Trung Tuyến cũng bày tỏ: “Tôi làm thợ điện cho các nhà phố, giờ dịch phải nghỉ. Tôi có được hưởng hỗ trợ không? Sao thấy nhắc đến thợ hồ, thợ mộc mà không có thợ điện nước như tôi nhỉ?”.
BĐ Phan Điền Thanh cho biết mình “buồn muốn khóc luôn” khi chia sẻ về hoàn cảnh riêng: “Tôi ở nhà trọ có một thân một mình, đang thất nghiệp, nhưng khó nhận được hỗ trợ vì phải có giấy KT3. Tôi ở quê lên thành phố hơn 4 năm rồi, chỉ biết cái phòng trọ ban ngày đi làm tối về có chỗ ngủ. Chủ nhà trọ kêu đưa CMND làm giấy thì đưa, chứ có biết KT3 như thế nào đâu?”.
BĐ Trac Ngo Duc nhận xét: “Việt Nam chưa dư dả thì phải tính ai cần, ai chưa cần để ưu tiên hỗ trợ. Mà xét danh sách thì chỉ có địa phương từ tổ dân phố đến công an khu vực là nắm rõ nhất, nên cần thật công tâm. Mong lắm thay!”.
Tại sao xe ôm truyền thống mất việc gần 2 tháng nay mà không được nhận gói hỗ trợ, trong khi lại nhắc xe ôm công nghệ?
ph***@gmail.com
Dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng hầu hết người lao động. Xin đừng bỏ sót một ai.
Tuấn Nguyễn Ngọc
Theo tôi nên nâng mức hỗ trợ cao hơn nữa, bù lại cho đợt trước nhiều người lao động thu nhập thấp chưa nhận được.
Let's Color
|
Bình luận (0)