Tổng thống Iran Raisi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm của mình vào ngày 3.8, khi Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei ký sắc lệnh công nhận chiến thắng của ông Raisi trong cuộc bầu cử tháng 6, Reuters đưa tin.
"Trước kinh Koran linh thiêng và trước cả nước, tôi thề với Đấng toàn năng rằng tôi sẽ bảo vệ tôn giáo chính của Iran, hiến pháp và đất nước này”, ông Raisi tuyên thệ trước quốc hội trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp ngày 5.8. Chiến thắng của ông Raisi khiến cả ba nhánh trong chính phủ Iran đều nằm dưới sự kiểm soát của những nhà lãnh đạo trung thành với ông Khamenei.
Ông Raisi đứng đầu cơ quan tư pháp Iran từ năm 2019. Trước đó, ông đã đảm nhiệm một số chức vụ khác trong ngành tư pháp của Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Ông Raisi, người đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền khi còn là thẩm phán, đã cam kết sẽ từng bước đưa Iran thoát khỏi các biện pháp cấm vận.
"Người dân Iran mong đợi chính phủ mới cải thiện sinh kế của họ. Tất cả lệnh cấm vận bất hợp pháp của Mỹ đối với Iran phải được dỡ bỏ", ông Raisi phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức. Nhà lãnh đạo này hứa sẽ phục vụ đất nước và cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng.
Iran đã đàm phán với 6 cường quốc để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, thỏa thuận bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ năm 2018. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump rút khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Iran. Kể từ đó, Tehran đã vượt các giới hạn đặt ra đối với hoạt động hạt nhân của mình.
Ngày 4.8, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã cảnh báo các nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Iran "chỉ còn khoảng 10 tuần nữa là có được các vật liệu cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân", AP đưa tin. Ông Gantz cũng kêu gọi các nước trừng phạt kinh tế và có biện pháp chống lại Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Giống như Lãnh tụ tối cao Khamenei, Tổng thống Raisi ủng hộ việc đàm phán để nối lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, ông Raisi được cho là sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán đang bị đình trệ. Dù vậy, Lãnh tụ tối cao Khamenei mới là người có tiếng nói cuối cùng về tất cả vấn đề của Iran, bao gồm cả chính sách hạt nhân.
Giới chức Iran và phương Tây cho biết các cuộc đàm phán hạt nhân vẫn còn nhiều khoảng trống đáng kể. Họ vẫn chưa thông báo thời điểm nối lại các cuộc nói chuyện trong bối cảnh vòng đàm phán cuối cùng đã kết thúc ngày 20.6.
Các nhà phân tích nhận định với tình trạng kinh tế khó khăn và những dấu hiệu cho thấy người Iran ngày càng giận dữ, thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là mục tiêu kinh tế hàng đầu của Tổng thống Raisi.
Bình luận (0)