Tiếng cười của Châu Tinh Trì đầy trào phúng, giễu nhại, phóng đại và đôi khi thô ráp. Nó lộ liễu, rõ ràng và đôi khi kém duyên nhưng không vì thế mà nó trở nên đáng chán, nhạt nhẽo và vô vị. Trong tiếng cười đó là nỗi lòng của nhân vật, là những thông điệp được Châu Tinh Trì thể hiện thông qua góc nhìn của mình để khán giả có thể đồng cảm và đồng hành với nhân vật bằng sự thương yêu và lưu luyến. Như chúng ta ai đã xem sẽ khó có thể quên được câu thoại kinh điển “Tôi nuôi cô” mà Mạc Thiên Sầu nói với Liễu Phiêu Phiêu trong Vua hài kịch, còn ở phần phim này, khán giả sẽ không thể quên được cái tên Như Mộng của nhân vật chính vì cuộc đời cô như giấc mộng, mà thái độ sống của cô khiến chúng ta phải nghĩ về mình.
tin liên quan
'Tân vua hài kịch' của Châu Tinh Trì: Thông điệp ý nghĩa nhưng lép vế phòng vé ViệtĐiện ảnh là bộ môn nghệ thuật mà tính phù hoa của nó hơn hơn tất cả mọi loại hình nghệ thuật khác. Vì nó trưng diện vẻ đẹp giả tạo với đời sống hòng thu lợi cho mình, như điện ảnh thương mại vốn dĩ luôn như thế. Vẫn với cái phong cách hài nhảm rất đặc trưng đó của mình, Châu Tinh Trì mang đến sự giễu nhại và châm biếm. Ông tri ân những tác phẩm điện ảnh kinh điện như Psycho, hay bộ phim I Love Hong Kong của đạo diễn Tăng Chí Vỹ và thậm chí cả chính bộ phim Vua hài kịch trước đó của mình. Ông sử dụng nó như một công cụ vừa để giễu cợt sự phù phiếm của điện ảnh, vừa tô đậm tính bi kịch của nhân vật Như Mộng khi cô gần như đã nỗ lực bằng tất cả sức lực và đam mê của mình nhưng cô gần như không thể nào chạm được vào rìa của ước mơ của mình.
Đối lập với Như Mộng là một ngôi sao điện ảnh hết thời Mã Khả. Một kẻ mải miết đi tìm chỗ đứng, còn một kẻ đã ở đỉnh vinh quang nhưng không biết trân trọng và đánh mất đi chỗ đứng của mình. Nhưng ở đây không có sự hoán đổi, mà chỉ có sự gặp nhau ở rìa của điện ảnh, vì lên đỉnh thì khó lắm, còn rớt xuống bên kia sự nghiệp thì nhanh như một cú lắc đầu hay gật đầu của đạo diễn thôi.
Tân vua hài kịch mang đầy dấu ấn của Châu Tinh Trì không chỉ ở phong cách làm phim, mà còn ở bản thân câu chuyện. Châu Tinh Trì đã ở đỉnh vinh quang, cả sự nghiệp diễn xuất lẫn vai trò đạo diễn, sản xuất ông đều cho ra những sản phẩm được công chúng yêu thích. Nhưng để đạt được sự vinh quang đó, Châu Tinh Trì đã trải qua tất cả những lần thất bại và khổ nhục, ông cũng đã chứng kiến tất cả thói phù phiếm và bạc bẽo của nghề này, nên ông đặt vào trong Tân vua hài kịch tấm gương phản chiếu chính mình.
Hài nhảm dễ bắt chước, nhưng để hài nhảm thành thương hiệu và khiến khán giả yêu thích thì chỉ có một và chỉ một Châu Tinh Trì làm được. Với bộ phim Tân vua hài kịch, dù khán giả đón nhận với nhiều thái độ khác nhau, nhưng bộ phim một lần nữa cho thấy sự tinh tế của ông trong việc mang những bộ phim hài trở nên sâu sắc và ẩn chứa nhiều thông điệp rất đáng suy nghĩ. Người ta nói đỉnh cao của hài kịch là bi kịch và Châu Tinh Trì là người giỏi nhất trong việc giấu bi kịch trong hài kịch để khiến cho khán giả xem xong đều không biết nên cười hay nên khóc.
Nhân sinh như mộng, liệu rốt cuộc, cô gái Như Mộng đã đạt được vinh quang sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng với dòng nước mắt hạnh phúc của ông bố tuyệt vời, hay thực ra, đó chỉ là giấc mộng vì số phận, không phải lúc nào cũng đãi ngộ cho những người đã cố gắng hết lòng với đam mê của mình.
Bình luận (0)