TAND Tối cao vừa công bố dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó đề xuất nhiều chính sách hướng đến bảo đảm quyền lợi, tạo cơ hội sửa chữa sai lầm cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Giảm mức hình phạt tù
Theo quy định hiện hành tại điều 101 bộ luật Hình sự, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù.
Tại dự thảo, TAND tối cao đề xuất giảm mức hình phạt đối với người chưa thành niên.
Cụ thể, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 9 năm tù.
Trong trường hợp phạm nhiều tội, nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 15 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 9 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.
Thu hẹp trường hợp bị tạm giam
Dự thảo luật do TAND tối cao xây dựng cũng thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Theo đó, người chưa thành niên chỉ bị tạm giam trong các trường hợp sau đây:
Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 điều 12 của bộ luật Hình sự. Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi về tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, tội nghiêm trọng do cố ý thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong trường hợp: đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu đồ vật của vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
11 biện pháp xử lý chuyển hướng
Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo luật là quy định về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, áp dụng với các trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dự thảo đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó giữ nguyên 2 biện pháp đang quy định trong bộ luật Hình sự là khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Biện pháp hòa giải tại cộng đồng đang quy định trong bộ luật Hình sự sẽ được tách thành 2 biện pháp, gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.
Cùng với đó là bổ sung 6 biện pháp xử lý chuyển hướng mới: tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.
Dự thảo cũng chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trở thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.
Bình luận (0)