TAND Tối cao lý giải việc hạn chế ghi âm, ghi hình trong phòng xử án

26/03/2024 18:45 GMT+7

Theo Chánh án TAND tối cao, hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát đang toàn tâm toàn ý suy nghĩ cho vụ án, nếu cứ chĩa máy quay vào mặt sẽ khiến 'người ta phân tán'.

Chiều 26.3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi do TAND tối cao chủ trì soạn thảo.

Ở lần trình này, TAND tối cao đề xuất việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác, tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp.

Đề xuất trên đang nhận được nhiều quan tâm, vì như vậy là "siết chặt" hơn so với quy định hiện hành.

TAND Tối cao lý giải việc hạn chế ghi âm, ghi hình trong phòng xử án- Ảnh 1.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật, trong đó có luật Tổ chức TAND sửa đổi

PHẠM THẮNG

Chưa thuận lợi cho báo chí tác nghiệp

Cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định quy định như trên là chưa thuận lợi cho báo chí tác nghiệp tại phiên tòa.

Theo ông Hòa, báo chí hiện nay muốn ghi âm, ghi hình thì phải được sự đồng ý của chủ tọa, nghĩa là chủ tọa đồng ý mới được thực hiện. Quy định như vậy đã đủ tốt, chặt chẽ, không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Do đó, ông cho rằng không cần sửa đổi.

Trong báo cáo gửi trước hội nghị, Ủy ban Tư pháp đề cập tới một số ý kiến cho rằng đề xuất của TAND tối cao là "hẹp hơn so với quy định của luật tố tụng hiện hành".

Bộ luật Tố tụng dân sự và luật Tố tụng hành chính đều nêu rõ: nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp; nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

Như vậy, đề xuất tại dự thảo (chỉ cho ghi âm, ghi hình lúc khai mạc và tuyên án - PV) chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí, bởi lẽ việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua tòa án.

Góp ý về nội dung này, cả Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án.

"Lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì phải nở nụ cười"

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định dự thảo luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan báo chí về vụ án, mà "chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử". "Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của truyền thông, chúng tôi không ngăn cản", ông nói.

TAND Tối cao lý giải việc hạn chế ghi âm, ghi hình trong phòng xử án- Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi về các nội dung trong dự thảo luật

PHẠM THẮNG

Bảo vệ cho quan điểm của cơ quan soạn thảo, Chánh án tối cao cho rằng "cả thế giới người ta làm việc như thế này". Tổ chức phiên tòa phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng luật, bảo đảm chất lượng và bảo đảm trang nghiêm, nghiêm túc. Để thực hiện được, tòa phải quy định về truyền thông.

"Giờ vụ án ly hôn, ra trước tòa, chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng, rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người. Họ cũng không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao phải ly hôn, rất nhiều nội dung nhạy cảm, kể cả người phạm tội cũng vậy", lời Chánh án TAND tối cao.

Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, ông Bình cho hay để bảo đảm chất lượng phiên tòa, thế giới không cho truyền thông ghi âm, ghi hình, thậm chí chỉ cho vẽ (phác họa ảnh – PV). "Lúc xét xử, hội đồng xét xử, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án, cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán. Vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười. Bản thân hội đồng xét xử, kiểm sát viên, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu, khi suy nghĩ, khuôn mặt phải đăm chiêu, nhíu mày chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười được", ông phân tích.

Vẫn theo Chánh án TAND tối cao, quy định như dự thảo sẽ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, "chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông". Tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng dữ liệu cũng phải bảo đảm quyền con người; nếu sau này viện kiểm sát giám sát thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình của tòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.