Tăng cường đầu tư cho ngành điện phía Nam

13/02/2017 10:24 GMT+7

Ngay từ những tháng đầu năm 2017, ngành điện miền Nam đã đưa vào vận hành nhiều dự án cấp điện quan trọng, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng biển đảo.

Hơn 3.000 hộ dân trên đảo có điện
Nguồn điện lưới quốc gia ổn định sẽ tạo điều kiện cho ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản trên các đảo phát triển tốt hơn; đồng thời góp phần giảm gánh nặng chi phí ngân sách phải bù lỗ hằng năm cho các trạm phát điện diesel trên đảo
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó tổng giám đốc EVN SPC
Cuối tháng 1.2017, người dân Kiên Giang đón nhận niềm vui lớn khi Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đồng loạt đóng điện dự án kéo điện lưới quốc gia ra các xã đảo Lại Sơn (H.Kiên Hải), Hòn Nghệ, Sơn Hải (H.Kiên Lương), cấp điện cho 3.040 hộ dân trên đảo. Tổng mức đầu tư của 3 dự án trên là 652 tỉ đồng từ nguồn vốn của chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 của chính phủ. Ông Phạm Văn Có (ngụ ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải) phấn khởi nói: “Chỉ cần mỗi chiều ra bến tàu người dân mua sắm tivi, tủ lạnh, máy điều hòa từ đất liền đem ra đảo là thấy được sự thay đổi của cuộc sống ở xã đảo này từ khi có điện lưới quốc gia”.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc EVN SPC, mục tiêu của các dự án nhằm cung cấp điện ổn định, liên tục 24/24 giờ cho các xã đảo của tỉnh Kiên Giang; đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; cải thiện đời sống nhân dân và lực lượng biên phòng, cảnh sát biển trên các xã đảo thuộc vùng biển phía Nam. Các dự án cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch ở các đảo có tiềm năng như Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, trong đó nổi bật là xã Sơn Hải có quần đảo Bà Lụa nổi tiếng với 42 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như vịnh Hạ Long của vùng biển Tây Nam. “Ngoài ra, nguồn điện lưới quốc gia ổn định sẽ tạo điều kiện cho ngành nghề sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy hải sản trên các đảo phát triển tốt hơn; đồng thời góp phần giảm gánh nặng chi phí ngân sách phải bù lỗ hằng năm cho các trạm phát điện diesel trên đảo”, ông Nguyễn Phước Đức nói.
Tiếp tục đầu tư lớn
Không chỉ ưu tiên hoàn thành sớm các dự án kéo điện ra các đảo gần bờ, rất nhiều công trình, dự án quan trọng khác của EVN SPC cũng đã hoàn tất đưa vào vận hành từ đầu năm 20107. Tại xã Lộc An (H.Long Thành, Đồng Nai), EVN SPC đã đóng điện công trình trạm biến áp (TBA) 110 kV Bình Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư 83 tỉ đồng, bao gồm: Xây dựng mới tuyến đường dây 110 kV mạch kép và trạm biến áp 110 kV, đường truyền SCADA kết nối về Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam. TBA này đi vào hoạt động sẽ bảo đảm việc cung cấp điện cho KCN Bình Sơn, Lộc An, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân tại các xã Lộc An, Bình Sơn và nâng cao độ ổn định, an toàn, tin cậy trong việc cung cấp điện, góp phần giảm tổn thất điện năng lưới điện.
Trước đó, tại TT.Lộc Thắng (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng), EVN SPC tổ chức nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành công trình TBA 110 kV. Công trình được xây dựng thuộc Dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện, có tổng mức đầu tư hơn 45 tỉ đồng, với quy mô công suất trạm 2 x 40 MVA; trong đó, giai đoạn đầu lắp đặt một máy biến áp công suất 40 MVA - 110/22 kV và tuyến đường dây nhánh rẽ 110 kV mạch kép. TBA khi đi vào vận hành góp phần nâng cao năng lực lưới điện khu vực, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn H.Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Hiện nay, ngành điện miền Nam đang khẩn trương thi công để hoàn thành Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang (giai đoạn 2), với hơn 6.130 hộ. Tổng mức đầu tư là 85 tỉ đồng. Theo kế hoạch năm 2017, ngành điện miền Nam dự kiến bố trí 8.348 tỉ đồng để thực hiện đầu tư hệ thống điện; trong đó đầu tư cho lưới điện lên đến 6.700 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.