Chiều qua 31.8, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với nho và khoai tây nhập khẩu từ TQ.
Theo ông Trung, các biện pháp này được triển khai, dựa trên kết quả phân tích kiểm soát chất lượng ATVSTP đối với các loại rau quả nhập khẩu đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, đã phát hiện hai loại nho và một mẫu khoai tây nhập khẩu từ TQ qua cửa khẩu Lào Cai và qua cảng Sài Gòn có dư lượng difenoconazole và chlorpyrifos ethyl vượt mức giới hạn tối đa cho phép theo tiêu chuẩn về ATVSTP của nước ta từ 3-5 lần.
Việc thắt chặt kiểm tra chất lượng an toàn đối với nho và khoai tây nhập khẩu từ TQ, theo ông Trung được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13 của Bộ NN-PTNT về kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật. “Bình thường chúng tôi chỉ lấy mẫu đối với 10% lô hàng gửi đi kiểm tra nhưng vẫn cho thông quan. Bây giờ chúng tôi lấy mẫu lên 30% và yêu cầu chủ hàng phải tự bảo quản hàng hóa của mình, khi có kết quả phân tích chứng minh hàng hóa đảm bảo yêu cầu thì mới được thông quan. Trong trường hợp các mẫu không đảm bảo yêu cầu thì chúng tôi sẽ xử lý số hàng hóa này theo quy định của pháp luật. Nếu trong 6 tháng mà có 3 lô hàng bị phát hiện không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam thì chúng tôi sẽ xem xét việc ban hành “lệnh” cấm nhập khẩu”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, các cơ quan chuyên môn của Cục cũng đang tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất giá đỗ và lấy các mẫu giá đỗ đang bày bán trên thị trường ở nhiều tỉnh thành, phân tích đánh giá nguy cơ mất ATVSTP, đặc biệt lưu ý các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất và các vi sinh vật gây bệnh cho người.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường kiểm soát ATVSTP đối với giá đỗ, rau mầm. Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, ở nước ta đã phát hiện tình trạng sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc chưa được phép sử dụng ở Việt Nam để sản xuất giá đỗ, trong khi người tiêu dùng còn thiếu thông tin và chủ quan khi sử dụng giá đỗ để ăn sống hoặc nấu không kỹ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ông Phát yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATVSTP trong quá trình sản xuất kinh doanh giá đỗ, rau mầm; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh sử dụng các thuốc xử lý hạt, kích thích, điều hóa sinh trưởng trong sản xuất giá đỗ, rau mầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Quang Duẩn
>> Phát hiện kho hàng Trung Quốc giả, lậu
>> Đánh bại hàng Trung Quốc
>> Phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc lan rộng
>> Vụ đổ xô trả hàng Trung Quốc: Nhiều người được trả lại tiền
>> Lớp “ngụy trang” của hàng Trung Quốc
>> Tăng cường xử lý việc nhập lậu hàng Trung Quốc
Bình luận (0)