Tăng cường kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại các cửa khẩu Lào Cai, Lao Bảo

23/11/2021 14:56 GMT+7

Các mặt hàng được tăng cường kiểm tra gồm bánh, kẹo, rượu bia, thực phẩm tươi sống...

Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhiều kho hàng nhái, hàng lậu đã bị phát hiện trong năm 2021

QLTT

Theo đó, ngành này sẽ tập trung vào các nội dung chính như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống..., các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Ngành quản lý thị trường cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm...

Trong kế hoạch này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng nêu ra các địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, Cục Quản lý thị trường tại tuyến biên giới phía bắc sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, chợ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn); cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu Kim Thành, chợ Cốc Lếu (tỉnh Lào Cai); thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh); cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang); cửa khẩu Tây Trang (tỉnh Điện Biên)... với các mặt hàng trọng điểm như pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang (quần áo, giày dép, túi xách...), khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc gia cầm, thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay)...

Hay các Cục Quản lý thị trường ở tuyến biên giới miền Trung - Tây nguyên sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình); cửa khẩu Lao Bảo, chợ Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) với các mặt hàng trọng điểm: đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. Ở tuyến biên giới Tây Nam sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh); khu vực huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An); cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang); khu vực thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) với các mặt hàng trọng điểm: thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.