Sáng 28.10, tại Đồng Nai, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước.
Ông Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại hội nghị |
lê bình |
Tham dự có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ; ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng hơn 600 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Ông Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, cải cách hành chính và chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức. Cùng với việc áp dụng hiệu quả công nghệ số thì tình hình mất an toàn an ninh thông tin ở nước ta diễn biến phức tạp. Hệ thống mạng thông tin nước ta nằm trong nhóm các quốc gia phải đối mặt với nhiều mã độc nhất và thường xuyên bị tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, tính chất tinh vi. Đặc biệt, tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng gia tăng đáng báo động cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Từ đó gây hậu quả nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại của đất nước.
Đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương đang phát biểu tham luận tại hội nghị |
lê bình |
Trong thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt. Một số hệ thống rất lớn và quan trọng đã được Bộ Công an, Bộ TT-TT, Văn phòng Chính phủ tập trung thiết lập, đưa vào vận hành. Trong các hệ thống này đều sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp để đảm bảo xác thực, an toàn thông tin.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết, thời gian qua, cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Qua đó góp phần đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Đồng thời góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.
Ông Đặng Minh Trường - Phó giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị |
lê bình |
Ứng dụng rộng rãi chữ ký số
Theo thông tin từ Ban Cơ yếu Chính phủ, trong thời gian qua, công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính được triển khai đồng bộ. Đến nay, đã có hơn 1.400 tài khoản, hơn 4.000 hồ sơ được xử lý và hơn 50.000 chứng thư số được cấp thông qua hệ thống thông tin trực tuyến.
Có 73,4% các bộ, ngành, địa phương ban hành cơ chế, chính sách về việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Đặc biệt, có 48,3% cơ quan ban hành chế tài nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, một số địa phương đã thiết lập các biện pháp quyết liệt để thúc đẩy chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng.
Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp trên 600.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương. Trong các cơ quan Đảng, đã cung cấp 100% chứng thư số cấp tỉnh, thành ủy; cung cấp hơn 4.400 chứng thư số cho cấp huyện và hơn 10.900 chứng thư số cho cấp xã.
Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai hơn 60.000 thiết bị SIM PKI ký số và có 64/93 bộ, ngành, địa phương đã triển khai chữ ký số trên thiết bị di động, mỗi ngày có hơn 8.000 lượt ký số trên di động được các cơ quan thực hiện. Tần suất trao đổi văn bản điện tử có chữ ký số trong nội bộ cơ quan và với các cơ quan khác đạt tỷ lệ cao, từ 66,4% năm 2019 lên 90,9% năm 2021...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại trong công tác quản lý, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng. Đó là cơ chế, chính sách khuyến khích và ngân sách đầu tư cho công tác triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.
Công tác huấn luyện, tập huấn có nơi đạt hiệu quả chưa cao, có trường hợp cán bộ, công chức được cấp chữ ký số nhưng chưa được huấn luyện, hướng dẫn sử dụng. Công tác quản lý thiết bị lưu khóa bí mật có nơi chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và thi đua, khen thưởng trong hoạt động chuyển đổi số chưa được tiến hành thường xuyên. Cán bộ phụ trách công tác triển khai chữ ký số chuyên dùng tại các cơ quan nhà nước các cấp còn mỏng, hoạt động kiêm nhiệm...
Bình luận (0)