Tăng 'đề kháng', gỡ khó cho doanh nghiệp

30/05/2024 07:00 GMT+7

Lo lắng khi số doanh nghiệp rút lui nhiều hơn gia nhập thị trường, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp thực tế, hiệu quả hơn nhằm tăng sức đề kháng, giảm gánh nặng, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển.

Tháo gỡ ách tắc thủ tục cho doanh nghiệp

Ngày 29.5, Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình KT-XH năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Nhiều đại biểu (ĐB) lo ngại về số lượng doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường, khi lần đầu tiên trong 5 năm qua số rút lui nhiều hơn số gia nhập.

"Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các DN", ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nói và dẫn chứng hàng loạt con số "hết sức đáng suy ngẫm": năm 2023 có 172.600 DN rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; 4 tháng đầu năm 2024 con số này là 86.300, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023.

Tăng 'đề kháng', gỡ khó cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn

GIA HÂN

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ĐB Thông, là tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của DN; cả khả năng hấp thụ vốn và sức chống chịu đều đã bị bào mòn sau đại dịch Covid-19. Các chính sách, quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc.

ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cũng nhận định "những con số biết nói" trên cho thấy DN đang rất khó khăn, cần tháo gỡ, hỗ trợ, nhất là vấn đề tín dụng. Theo ông, thu ngân sách tăng mạnh hơn chi, giúp cán cân ngân sách thặng dư gần 300.000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm, giúp chính sách tài khóa có thêm dư địa để mở rộng, hỗ trợ nền kinh tế. Song ở khía cạnh khác, điều này đồng nghĩa một lượng tiền lớn của DN và người dân đã rút khỏi nền kinh tế chưa được tái phân phối kịp thời trở lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng huy động vốn ngân hàng thấp, thậm chí âm (cuối tháng 4 đạt -1,1% so với đầu năm).

Để vực dậy "sức khỏe" DN, ĐB Nguyễn Hữu Thông kiến nghị tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN khắc phục vấn đề thiếu lao động; đồng thời nghiên cứu chính sách tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, nhất là DN mới, DN vừa và nhỏ. Cùng với đó là cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí rủi ro cho DN; giải quyết vướng mắc về đất đai, nhất là xác định giá đất cụ thể.

ĐB Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) kiến nghị thực hiện các chính sách tài khóa nhằm phát huy tối đa nội lực từ thị trường trong nước như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất…; đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thị nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Góp ý thêm, ĐB Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực hành chính liên quan DN, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực; đẩy mạnh thực hiện các quy định về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Giải trình vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói hỗ trợ DN trong nước là một trong các giải pháp trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới vì DN đang rất khó khăn. "Các bộ, ngành, các địa phương phải thực sự đồng hành, tháo gỡ, giải quyết những ách tắc thủ tục, hỗ trợ cho DN. Nếu chỉ QH, Chính phủ, T.Ư thì cũng không đủ", ông Dũng nhấn mạnh.

Cách nào trị bệnh sợ trách nhiệm ?

Nhiều ĐB có chung nhận định tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm là nguyên nhân gây ra ách tắc, đình đốn trong đầu tư công, thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, làm gia tăng chi phí thời gian cho DN, giảm cơ hội thu hút đầu tư. Khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ được nhiều ĐB cho là giải pháp để tăng chất lượng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN, giúp kinh tế phục hồi, phát triển.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh nhận xét Chính phủ đã có Nghị định 73 năm 2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cùng đó là các chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này. Ông đề nghị cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trong đó tập trung triển khai các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng.

Tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa hoan nghênh Chính phủ ban hành Nghị định 73, song sau khi nghiên cứu kỹ thì ông thấy "chưa đủ". ĐB đoàn TP.HCM đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn thì cán bộ công chức các cấp, các ngành mới yên tâm trong thực thi công vụ. Cụ thể, ông Nghĩa đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành một thông tư liên bộ gồm Bộ Nội vụ, Công an, Viện KSND tối cao, Thanh tra Chính phủ, và có thể cả Bộ Tư pháp để hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định 73.

"Thông tư liên bộ này cần phải sâu sát với tình hình tâm tư, tình hình bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước. Tôi nghĩ rằng thông tư liên bộ với đủ các ngành như thế sẽ giúp cho cán bộ yên tâm hành xử và ra các quyết định hành chính của mình", ông Nghĩa nêu.

Nêu quan điểm "cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ" vì "có làm có sai, không làm không sai, nếu sai thì bị xử lý", ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị cấp có thẩm quyền nên có chính sách cho phép các cán bộ, DN đã làm những việc không đúng quy định pháp luật trước đây mà tự giác khai báo, hoàn trả lại tiền bất hợp pháp cho nhà nước thì được bảo vệ bí mật và được "khép lại hồ sơ", có thể hoạt động, công tác bình thường. Cho rằng nếu được khoan hồng, những người lỡ nhúng chàm sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình, ĐB đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh có như thế mọi người sẽ điều chỉnh hành vi hoạt động của mình, tình hình tham nhũng tiêu cực sẽ giảm, lấy lại niềm tin với dân.

Giải pháp nào bình ổn thị trường vàng ?

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần có giải pháp dài hạn để ổn định thị trường vàng. Theo ông, việc đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ là giải pháp tạm thời, vì giá vàng không giảm mà còn có xu hướng tăng.

"Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN ?", ông Hòa đặt vấn đề và kiến nghị sửa đổi Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng. Việc này sẽ thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN. "Có như thế, tôi tin thị trường vàng sẽ ổn định, không phải lên xuống hằng ngày như hiện nay", ông Hòa kỳ vọng.

Giải trình nội dung trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết giá vàng tăng cao và biến động phức tạp thời gian qua là diễn biến chung trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về việc thu hẹp chênh lệch giá vàng, NHNN đã tăng nguồn cung vàng ra thị trường, thông qua việc thực hiện đấu thầu vàng. Thế nhưng qua 9 phiên đấu thầu, NHNN nhận thấy chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng, nên đã dừng đấu thầu để xây dựng phương án mới.

NHNN cũng đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, nhằm thanh tra toàn diện về mọi mặt. "Vừa qua, những biến động trên thị trường không ngoại trừ hành vi vi phạm đến từ việc đầu cơ, găm giữ, đẩy giá…", bà Hồng nêu.

Thông tin thêm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết từ tháng 6.2022, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát sao; đến nay thống kê có tới 25 văn bản, bao gồm những công cụ để can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng, cũng như việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.

Theo Phó thủ tướng, NHNN đã tích cực đưa ra một số giải pháp, tuy nhiên khi can thiệp thấy hiệu quả chưa cao, nên đang đánh giá lại và sẽ có những phương án mới. Về dài hạn, NHNN sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012 để làm sao có giải pháp lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.