Tăng giá vé xem rồng Komodo gấp 25 lần, Indonesia gây tranh cãi

17/07/2022 19:30 GMT+7

Du khách đến Công viên Quốc gia Komodo của Indonesia từ tháng 8 sẽ phải bỏ ra gần 250 USD, thay vì 10 USD, để được xem cận cảnh những con "rồng" đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, Sandiaga Uno, đã công bố việc tăng giá vé và hạn chế số lượng du khách trong tuần này, giữa lúc Jakarta cố gắng hồi sinh ngành du lịch sau đại dịch song hành với nỗ lực bảo vệ môi trường, theo South China Morning Post.

Tăng giá vé, hạn chế số lượng du khách

Ông cho biết giá vé vào cửa mới, 3,75 triệu rupiah (250 USD), sẽ cho phép du khách đến thăm Công viên Quốc gia Komodo bất kể khi nào họ muốn trong vòng 12 tháng. Theo ông, giá vé này sẽ đóng góp vào nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc duy trì hệ sinh thái, bao gồm quản lý chất thải và đảm bảo cung cấp tốt thức ăn, nước uống cho những con rồng Komodo. Chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8.

Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất thế giới

shutterstock

Ông Uno cũng cho hay du khách sẽ được tặng những món quà lưu niệm do thợ thủ công địa phương làm ra, đồng thời nói chính phủ "khá tin tưởng" chính sách sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn "vì họ sẽ đánh giá cao nỗ lực bảo tồn của chúng tôi cũng như việc chúng tôi cố gắng phát triển các điểm du lịch khác ở tỉnh Đông Nusa Tenggara".

Jakarta đã chọn Labuan Bajo, khu vực bao gồm Công viên Quốc gia Komodo, là một trong năm điểm du lịch ưu tiên hàng đầu. Bốn điểm còn lại là đền Borobodur ở tỉnh Trung Java, hòn đảo nghỉ dưỡng Likupang thuộc tỉnh Bắc Sulawesi, điểm du lịch thể thao Mandalika ở tỉnh Tây Nusa Tenggara, và hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra.

Vườn thú giúp rồng Komodo sinh sản trước nguy cơ tuyệt chủng

Số lượng du khách đến công viên quốc gia này sẽ được giới hạn ở mức tối đa 200.000 người mỗi năm, giảm 1/3 so với hiện tại, để đảm bảo "tác động tích cực đến [sự phát triển] của nền kinh tế sáng tạo chất lượng và bền vững ở Labuan Bajo và Flores", theo Bộ trưởng Uno.

Nằm ở Đông Nusa Tenggara, tỉnh cực nam của Indonesia, Công viên Quốc gia Komodo là môi trường sống tự nhiên của rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất và nặng nhất thế giới. Chúng không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất, ngoại trừ trong các sở thú.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ước tính loài này chỉ còn khoảng 1.380 con trưởng thành và 2.000 con chưa trưởng thành trong tự nhiên - tất cả sống tại vườn quốc gia của Indonesia - giảm so với số lượng 5.000 - 8.000 con cách đây 25 năm. IUCN cảnh báo rằng môi trường sống của rồng Komodo có khả năng suy giảm ít nhất 30% trong 45 năm tới.

Tham lam hay bảo tồn?

Kế hoạch của chính phủ Indonesia đã dẫn đến những phản ứng trái chiều. Ansi Semadi, hướng dẫn viên du lịch ở Flores, hòn đảo cách đảo Komodo khoảng 180 km về phía đông, cáo buộc Bộ trưởng Uno "tham lam". "Các vị đang dần giết chết chúng tôi, những doanh nhân địa phương vẫn đang cố gắng khôi phục tình trạng tài chính", anh nói trên Instagram.

Song tài khoản Twitter @dramateque cho biết cô sẽ không ngại trả thêm tiền để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn. "Để thiên nhiên nghỉ ngơi và hít thở giữa dòng khách du lịch đông đúc là điều cực kỳ quan trọng và tôi rất vui vì điều đó đang được thực hiện. Chỉ lo rằng giá quá cao nên mọi người sẽ không muốn đến những vùng này nữa", cô nói.

Rồng Komodo đang có nguy cơ tuyệt chủng

chụp màn hình scmp

Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia gây tranh cãi với chính sách giá vé ở Công viên Quốc gia Komodo, nơi đã trở thành di sản thế giới của UNESCO vào năm 1991.

Năm 2019, chính quyền địa phương từng gây xôn xao quốc tế sau khi họ cho biết khách du lịch sẽ phải trả 1.000 USD mỗi năm để mua "thẻ thành viên cao cấp", cho phép họ tham quan toàn bộ công viên hàng năm, trong khi những người sở hữu thẻ thành viên không cao cấp, với mức phí chưa rõ vào thời điểm đó, có quyền tiếp cận tất cả các đảo ngoại trừ đảo chính Komodo.

Cũng trong năm 2019, thống đốc của tỉnh đề xuất công viên đóng cửa trong một năm do số lượng rồng Komodo suy giảm. Không có kế hoạch nào trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn vẫn là mối quan tâm lớn nhất của Jakarta khi nói đến công viên này, vì hoạt động du lịch ồ ạt và nạn buôn bán động vật hoang dã đe dọa sự tồn tại của loài thằn lằn khổng lồ.

Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ các thành viên của một đường dây buôn lậu vào năm 2019, thu giữ năm con rồng Komodo và các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác được rao bán trên Facebook, với giá 1.400 USD cho mỗi con rồng.

Vào năm 2020, kế hoạch xây dựng một công viên giải trí theo phong cách "công viên kỷ Jura" tại khu vực, với việc cho phép du khách đi bộ xung quanh trong nhà để xem thằn lằn khổng lồ, lại gây ra phản ứng dữ dội. Tháng 7 năm ngoái, UNESCO đã gửi thư yêu cầu chính phủ Indonesia "tạm dừng" dự án và đệ trình đánh giá tác động môi trường để IUCN xem xét.

Mặc dù vậy, các nhà chức trách Indonesia hồi tháng 8.2021 cho biết kế hoạch sẽ tiếp tục được triển khai vì nó "không ảnh hưởng" đến môi trường sống của rồng Komodo và công viên giải trí nói trên đã mở cửa vào tháng 12 cùng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.