Tăng nguồn cung thực phẩm, bình ổn giá cho miền Bắc

Chí Nhân
Chí Nhân
12/09/2024 06:13 GMT+7

Do ảnh hưởng bão lũ khiến nguồn cung lương thực, thực phẩm ở các tỉnh phía bắc tăng cục bộ ở một số nơi. Các nhà cung cấp đang tích cực tăng cường đưa hàng từ miền Nam ra phía bắc để đảm bảo tốt nhất phục vụ nhu cầu thị trường.

Miền Bắc khan hiếm cục bộ, Nam bộ nguồn cung dồi dào

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại TP.Hà Nội và một số tỉnh phía bắc xảy ra tình trạng giá thực phẩm tăng mạnh cục bộ ở một số địa phương. Tại một số chợ dân sinh, giá rau muống 22.000 đồng/mớ, mồng tơi 17.000 đồng/mớ, rau ngót 15.000 đồng/mớ; cải ngọt và cải chíp giá 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt heo, bò, gà tươi sống cũng rất đắt hàng. Tuy nhiên, dù giá tăng nhưng nguồn cung vẫn dồi dào.

Còn ở TP.HCM, tại một số chợ truyền thống như Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Nguyễn Tri Phương (Q.10), Hòa Bình (Q.5) thị trường vẫn ổn định cả về lượng và giá. Trưa 11.9, tại các chợ truyền thống, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Chủ một sạp rau xanh ở khu chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5) chỉ tay vào hàng hóa bày trên sạp nói: Giờ đang là giữa trưa mà như anh thấy sạp của tôi và mấy người lân cận đây ai cũng còn đầy là đủ biết thị trường vẫn ổn định. TP.HCM gần các nguồn cung cấp lớn từ miền Tây và Lâm Đồng, lại không bị ảnh hưởng bão lũ nhiều nên không lo thiếu nguồn cung. Những ngày qua, các đầu mối cung cấp hàng vẫn tốt, giá ổn định ví dụ như rau muống, mồng tơi, rau dền từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo, hành ngò cũng ổn định từ 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại.

Tăng nguồn cung thực phẩm, bình ổn giá cho miền Bắc- Ảnh 1.

Giá cả những mặt hàng thiết yếu ở TP.HCM ổn định, nguồn cung dồi dào

ẢNH: Chí Nhân

Trong khi đó, một số vựa gạo ở khu vực này cho biết giá gạo có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu từ các tỉnh phía bắc tăng. Ông Lộc, đại diện một vựa gạo, thông tin một vài khách quen hỏi mua số lượng lớn gạo thông dụng để đi làm từ thiện ở miền Bắc. Mặt hàng này chỗ ông Lộc không có nhiều, các thương lái báo giá tăng nhẹ khoảng 200 - 300 đồng/kg, còn gạo ngon giá cũng tăng bình quân 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước. 

"Từ đầu năm tới nay giá có lúc tăng, lúc giảm vài trăm đồng mỗi ký. Hiện mức tăng này là bình thường chứ không có dấu hiệu tát nước theo mưa. Giá gạo thông dụng bán lẻ như IR50404, gạo sơ ri tại các vựa giá phổ biến từ 18.000 - 18.500 đồng/kg; gạo Đài thơm 24.000 - 25.000 đồng/kg, ST25 từ 28.000 - 32.000 đồng/kg...", ông Lộc cho biết.

Dân vùng rốn lũ Hà Nội ‘khát’ nước sạch ngày sông Bùi dâng cao

Theo ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc kinh doanh, Công ty CP quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, các nguồn cung rau củ lớn như Lâm Đồng và một số nơi có thể đang bổ sung cho sự thiếu hụt cục bộ ở các tỉnh phía bắc do bão lũ. Lượng hàng này có thể đi trực tiếp từ vùng nguyên liệu. Dù vậy, nguồn cung hàng qua chợ vẫn ổn định cả về lượng và giá.

Tại HTX Phước An (H.Bình Chánh), một trong những vùng trồng rau lớn của TP.HCM, ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX, cho biết: Địa phương không bị ảnh hưởng mưa bão nên năng suất và sản lượng vẫn ổn định. Mỗi ngày chúng tôi vẫn đều đặn cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 tấn rau xanh các loại. Đầu ra của chúng tôi là các siêu thị, cửa hàng và bếp ăn tập thể. Rau ăn lá các loại có giá phổ biến từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc ở P.Long Trường (TP.Thủ Đức), cho biết: HTX sản xuất theo phương pháp thủy canh trong nhà kính nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết. Gần đây nhu cầu người tiêu dùng đang tăng dần giúp HTX tăng sản lượng lên khoảng 600 kg/ngày. Có thời lượng tiêu thụ đỉnh điểm 1.000 kg/ngày nhưng cũng mới đạt 60% công suất của HTX.

CẢNH BÁO: Ngập lụt tại Hà Nội tiếp tục kéo dài trong 2-3 ngày tới

Tăng cường hàng hóa cho miền Bắc

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nói: Trước khi bão Yagi đổ bộ, các siêu thị Co.op Mart ở phía bắc đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường, tập trung vào các loại rau củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt… Tuy nhiên, siêu bão kéo theo hàng loạt vấn đề thiên tai đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở một số tỉnh thành. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Saigon Co.op tập trung nguồn lực tiếp ứng cho hệ thống phân phối và kho vận miền Bắc với mục tiêu đảm bảo nguồn hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả không biến động. Bên cạnh đó, đơn vị cũng làm việc với các đối tác kinh doanh để khuyến mãi đậm dành riêng cho thị trường miền Bắc, góp phần bình ổn thị trường, ổn định tâm lý người dân. Ở khu vực này Saigon Co.op có 11 siêu thị Co.op Mart và 28 cửa hàng Co.op Food.

Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để trung tâm hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. Các sản phẩm rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. 

"Chúng tôi đã đặt hơn 200 tấn bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh… và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Bên cạnh đó hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên. Tại từng điểm bán, chúng tôi đã tăng giờ phục vụ. Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng, an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn, chúng tôi tiếp tục thực hiện khuyến mãi để đưa các mặt hàng thiết yếu được giảm giá sâu hơn nữa", ông Thắng nói. 

Thiệt hại do thiên tai ở các tỉnh miền Bắc rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ sẽ còn kéo dài trong một vài tháng tới. Thời gian qua ở thị trường miền Bắc có mặt bằng giá heo hơi khá cao so với các tỉnh thành còn lại, thì sắp tới có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên không lo thiếu hụt vì khu vực miền Trung và miền Nam có thể bù đắp được. Việc tái đàn heo và trâu bò có thể mất nhiều thời gian hơn, phải mất khoảng 5 - 6 tháng với chăn nuôi heo. Do đó để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt tại chỗ, trước mắt bà con có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà vì gà có vòng đời ngắn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.